Xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân khi tham gia giao thông

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông…

Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông…
Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi tham gia giao thông…

Khắc phục hạn chế của Luật Giao thông đường bộ hiện hành

Nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông; trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 điều. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Luật để kịp thời trình Chính phủ.

Theo Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Đồng thời, đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về mặt pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em

Tại phiên họp hội đồng thẩm định đối với dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 10/8 mới đây, đại diện các bộ, ngành trong hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật này.

Tuy nhiên, để dự án Luật được hoàn thiện hơn, đại diện các đơn vị đã trao đổi, nêu ý kiến góp ý về các vấn đề liên quan đến quy định về cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (quy định tại Điều 7 dự án Luật); trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (quy định tại Khoản 3 Điều 9 dự án Luật); niên hạn sử dụng xe cơ giới (quy định tại Điều 37 dự án Luật); vận chuyển hàng hóa cấm lưu thông (quy định tại Khoản 14 Điều 8 dự án Luật)…

Thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Phạm Công Nguyên cho biết, sẽ tiếp thu tối đa để dự thảo Luật được hoàn thiện nhất, công khai, minh bạch, có tính áp dụng trên thực tế cao, đảm bảo tính phổ quát, phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Bổ sung các phương tiện thân thiện với môi trường

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật. Nhấn mạnh Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nhiều nội dung, liên quan đến nhiều bộ luật quan trọng, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, tránh trùng lắp, không vi phạm các quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật bổ sung các phương tiện thân thiện với môi trường; làm rõ một số quy định còn chung chung trong dự thảo Luật; rà soát, giải thích các từ ngữ mang tính chuyên môn, nhiều cách hiểu khác nhau…

"Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng thẩm định, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan, đảm bảo quy chuẩn về giao thông đường bộ với quốc tế, nhất là Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ. Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện các quy định về thủ tục hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ" - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.