Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm an toàn về chỗ ở cho lao động di cư

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/6, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo tham vấn các tiêu chí về nhà trọ an toàn, thân thiện cho lao động di cư.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Lê Kim Anh phát biểu tại hội thảo

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở bảo đảm an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 5915/QĐ-UBND ngày 20/11/2023.

Tham dự hội thảo có đại diện Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam cùng các chuyên gia, đại diện các sở, ban, ngành TP.

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.300ha. Đến hết năm 2022, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp có khoảng 167 nghìn  người. Theo khảo sát quốc gia năm 2019, Hà Nội là một trong 12 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương với 231 nghìn người.

Về tình hình phát triển nhà ở công nhân và các thiết chế văn hoá tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP, hiện có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động các khu công nghiệp đã và đang tiến hành xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế cho khoảng 22.420 chỗ ở, đã hoàn thành được 8.388 chỗ ở và bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ ở.

Trong đó,  khu nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Ðông Anh có diện tích 20 ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng; 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12 nghìn chỗ ở. Ngoài ra có khu nhà ở xã hội kết hợp thương mại cho công nhân thuê hoặc mua gồm 1 tòa nhà cao 12 tầng và 2 tòa nhà cao 9 tầng, tổng cộng có 484 căn hộ.

Đại biểu tham luận tại hội thảo
Đại biểu tham luận tại hội thảo

Tuy nhiên, khu nhà chỉ đáp ứng được một phần nhỏ chỗ ở của người lao động có nhu cầu thuê nhà ở. Nhiều công nhân vẫn phải thuê nhà trọ tại những khu nhà do người dân xây dựng trong khu dân cư (chủ yếu là nhà cấp 4).

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết, một nghiên cứu đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2020 cho thấy, thông thường một phòng trọ có diện tích 14m² sẽ có 4 người sống chung, trong khi theo khuyến nghị của Bộ Y tế trong giai đoạn phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, diện tích sử dụng của phòng không được nhỏ hơn 5m²/người.

Qua khảo sát của dự án, một số gia đình hoặc nhóm thuê nhà trọ chung có diện tích nhỏ khoảng 10 - 15m² nhưng số người ở lại khá đông (từ 4-5 người), điều kiện sinh hoạt như vệ sinh môi trường, nước uống, ánh sáng, an ninh, phòng cháy chữa cháy… cũng còn những hạn chế.

Dự án “Nâng cao chất lượng chỗ ở đảm bảo an toàn và đáp ứng tiêu chí đề ra cho lao động di cư trong nước và gia đình tại Việt Nam” được triển khai, cùng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền TP và các địa phương sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức; đồng thời hỗ trợ, cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động nhập cư ở các khu nhà trọ xung quanh khu công nghiệp, đặc biệt là lao động nữ.

Thời gian qua, để triển khai hiệu quả Dự án, Hội LHPN Hà Nội và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức tham vấn chính quyền địa phương của 3 xã (Kim Chung thuộc huyện Đông Anh và thị trấn Chi Đông, Quang Minh thuộc huyện Mê Linh) về thực hiện Dự án; tiến hành khảo sát về thực trạng nhà trọ cho công nhân.

Bà Park Mihyung, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam cho biết, bộ công cụ đánh giá chỗ ở cho lao động di cư sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa nhu cầu của người lao động về một chỗ ở bảo đảm. Công cụ này dựa trên hướng dẫn của Liên hợp quốc về quyền chỗ ở đầy đủ cũng như danh mục kiểm tra của IOM về chỗ ở trong hướng dẫn về quản lý lao động di cư cho người sử dung.

“Chúng tôi mong mốn có thể áp dụng bộ công cụ này với các nhà trọ tư nhân cho người lao động trên cả nước, đồng thời, các cơ quan, chủ nhà trọ cũng như khu vực tư nhân cùng tìm ra phương án giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân”- bà Park Mihyung nói.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng đưa ra ý kiến về các tiêu chí đặt ra đối với các nhà trọ để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; cách thức chấm điểm của các tiêu chí khi các chủ nhà trọ tham gia dự án và áp dụng các tiêu chí đó.