Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở công nhân tại 7 địa phương
Theo số liệu báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay cả nước đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.

Theo Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa, với mức lương như hiện nay (trung bình 6 - 9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội (NƠXH), phải trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt.
Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều KCN, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống tạm bợ, diện tích phòng ở chật hẹp, không có không gian vui chơi, giải trí...
“Trước nhu cầu đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về đề án thiết chế công đoàn, gồm: Nhà ở, nhà văn hóa, thể thao, trạm y tế, nhà trẻ, dịch vụ, thương mại... phục vụ công nhân KCN. Giai đoạn 2015 – 2017, Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện 50 thiết chế công đoàn, đã có 35 tỉnh, TP giới thiệu địa điểm quy mô mỗi điểm 3 - 7ha để bố trí xây dựng thiết chế công đoàn, nhưng đang vướng một số vấn đề pháp lý cần phải điều chỉnh...” – ông Lê Văn Nghĩa cho hay.
Cũng theo đại điện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với việc Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi) cho phép đơn vị này được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các KCN mua, thuê, thuê mua. Nếu được Quốc hội thông qua nội dung cho phép Tổng Liên đoàn trực tiếp tham gia đầu tư dự án nhà ở tại khu thiết chế công đoàn cho công nhân thuê như dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến đến năm 2030 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xây dựng các dự án NƠXH dành cho công nhân ở ít nhất tại 7 địa phương, gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.
TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc đẩy mạnh xây dựng các dự án NƠXH nói chung, NƠXH dành cho công nhân các KCN nói riêng là vấn đề vô cùng quan trọng, vì đây là chìa khóa quyết định đến vấn đề việc làm, năng suất lao động. Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung nguồn lực giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân KCN, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp ở đô thị. Trong đó, trước hết cần tạo dựng các cơ chế thông thoáng, mở cửa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ họ về vốn, bàn giao đất sạch để xây dựng NƠXH.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh tình trạng người có thu nhập cao mua NƠXH, bán lại hoặc cho thuê lại đối với người có thu nhập thấp và công nhân các KCN, khu đô thị. Đây là tình trạng đáng báo động, cần hết sức lưu ý để phân phối hợp lý, đảm bảo công bằng xã hội. Ngoài ra, cũng đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn thành xây dựng 1 triệu căn hộ NƠXH đến năm 2030, qua đó sẽ góp phần làm tăng niềm tin của người lao động, tăng năng suất lao động” - TS Bùi Sỹ Lợi nói.

Kiến nghị thu hồi quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội
Kinhtedothi – Bộ Xây dựng kiến nghị các địa phương thu hồi quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy hoạch được phê duyệt để giao cho chủ đầu tư khác triển khai.

Đề xuất lãi vay cho nhà ở xã hội 3%/năm
Kinhtedothi – Trước tình trạng thiếu nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đối tượng là người mua nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất Chính phủ xem xét bố trí gói tín dụng riêng với mức lãi suất ưu đãi không quá 3%/năm.

Nhà ở xã hội “giá trên trời”, người lao động khó “chạm tay”
Giá nhà ở xã hội cao trong khi thu nhập của người lao động thấp. Để sở hữu được một căn nhà thì họ phải vay vốn ngân hàng, tuy nhiên, thủ tục vay vốn lại rườm rà, lãi suất cao, không được hưởng ưu đãi...