Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm công khai, minh bạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là ý kiến được đồng tình tại buổi họp góp ý cho Dự thảo lần I Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính (CCHC) áp dụng trong nội bộ TP Hà Nội" do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì chiều 6/11.

Đại diện Tổ công tác xác định chỉ số CCHC TP cho biết: Từ khi triển khai Chương trình tổng thể CCHC đến nay, TP vẫn chưa có một công cụ để theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện và kết quả CCHC hàng năm một cách khoa học, định lượng và có so sánh giữa các sở, ban, ngành, giữa các địa phương. Điều này gây khó khăn trong xác định mức độ đạt được, kế hoạch CCHC hàng năm của các đơn vị để có điều chỉnh cho những năm tiếp theo. 
Bộ phận một cửa UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa.  Ảnh: Phạm Hùng
Bộ phận một cửa UBND phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng

Vì vậy, Đề án này sẽ giúp nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện CCHC, nâng cao nhận thức về CCHC cũng như huy động sự tham gia của người dân và xã hội vào đánh giá kết quả CCHC của các địa phương, đơn vị. Để đạt được điều đó, dự thảo đề xuất 4 nhóm giải pháp: Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các sở, ngành, địa phương đối với việc xác định chỉ số CCHC; tăng cường tuyên truyền phổ biến chỉ số CCHC; bố trí công chức thường xuyên theo dõi, đánh giá CCHC tại các cơ quan, đơn vị hành chính; bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính. 

Dự kiến, trong hai năm 2014 - 2015, Đề án tiến hành triển khai xác định chỉ số CCHC thí điểm đối với một số sở và địa phương, sơ kết thí điểm việc triển khai để điều chỉnh, bổ sung. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện xác định chỉ số CCHC hàng năm; nghiên cứu các giải pháp để triển khai áp dụng hiệu quả trong xác định chỉ số CCHC, sau đó tổng kết việc triển khai để đề xuất hoàn thiện. 

Đại diện Sở Tư pháp đề nghị khi xây dựng Đề án, cần đề cao tiêu chí đảm bảo tính công khai thủ tục hành chính (TTHC) tại cả bộ phận một cửa và trên trang web. Đó là yếu tố quan trọng để cải cách chặt chẽ hơn. Các ý kiến cũng cho rằng, cần nghiêm túc đưa việc đảm bảo tiến độ, hạn nộp báo cáo thành một tiêu chí đánh giá. Đặc biệt, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng nhấn mạnh, nên chú trọng chấm điểm cao để động viên khuyến khích những đơn vị, địa phương có đột phá thực sự, như về trách nhiệm thái độ của cán bộ công chức, áp dụng CNTT… Đánh giá chấm điểm không thể chung chung, "rải mành mành" với các lĩnh vực. Tổ công tác cho biết sẽ tích cực tiếp thu, điều chỉnh dự thảo để ngay trong tháng 12/2014, UBND TP sẽ có quyết định ban hành Bộ chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ TP Hà Nội. 

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho rằng, dù là năm thực hiện thí điểm nhưng việc đánh giá thực hiện CCHC ngay từ năm 2015 phải đảm bảo công khai minh bạch, sau đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện bổ sung cho các năm tiếp theo. Tổ công tác cần chỉnh sửa sớm, cuối tháng 11/2014 trình UBND TP, đồng thời cần có hướng dẫn cho các quận, huyện, thị xã đánh giá ở xã, phường, thị trấn một cách rõ ràng. "Phải thực hiện Bộ chỉ số CCHC song song giữa các sở ngành, quận, huyện, thị xã với xã, phường, thị trấn. Không thể trong một quận có tới nửa số phường làm chưa tốt mà đánh giá quận đó thực hiện tốt" - Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.