Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX:

Bảo đảm đúng tinh thần thể thao cao thượng

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hướng đến sự trong sạch, bảo đảm đúng tinh thần thể thao cao thượng, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cuối cùng khi chưa đầy 1 tháng sẽ khai mạc.

Hà Nội chuẩn bị tốt điều kiện thi đấu

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 21/12 với 43 môn thi đấu tại Quảng Ninh là chủ nhà đăng cai và các tỉnh/thành lân cận: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh, Ban tổ chức và các tiểu ban tại các địa phương đăng cai đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị.

“Qua các chuyến kiểm tra, cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu, điều kiện ăn, nghỉ tại Quảng Ninh và các địa phương cơ bản bảo đảm những yêu cầu của Đại hội. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Đại hội cũng được các đoàn gấp rút hoàn tất” – ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.

Hà Nội phấn đấu vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Ngọc Tú.
Hà Nội phấn đấu vị trí nhất toàn đoàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ảnh: Ngọc Tú.

Hà Nội là địa điểm đăng cai tổ chức một số môn trong chương trình thi đấu của Đại hội, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, địa phương đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức Đại hội.

“Về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất các địa điểm đăng cai đều đảm bảo, đạt yêu cầu. Trang thiết bị tập luyện, thi đấu hầu hết đều thụ hưởng từ SEA Games 31 nên khá thuận lợi và đạt tiêu chuẩn. Trong đó, môn thể thao lần đầu tiên tổ chức tại Đại hội là futsal nam sẽ được tổ chức tại Cung Điền kinh trong nhà để đảm bảo chất lượng thay vì địa điểm Nhà thi đấu Thanh Trì như dự kiến ban đầu” – ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, sẽ có 9 môn diễn ra trước thời điểm khai mạc Đại hội, gồm: Bóng đá, đua thuyền, nhảy cầu, bắn súng, karate, billard, bóng chuyền, bóng rổ, vật. Trưởng tiểu ban chuyên môn kỹ thuật Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX Trần Đức Phấn khẳng định, đã có rất nhiều buổi làm việc của tổ chuyên môn kỹ thuật với các địa phương đăng cai tổ chức thi đấu, nhằm xây dựng, hoàn thiện các phương án tổ chức hiệu quả, tiết kiệm kinh phí song vẫn bảo đảm được chất lượng chuyên môn cao.

Hướng tới 1 kỳ Đại hội trong sạch

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX là sự kiện thể thao quan trọng được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào TDTT trong cả nước, kịp thời phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV sẵn sàng tham dự thi đấu tại các giải đấu quốc tế quan trọng trong tươi lai như SEA Games lần thứ 32 năm 2023, Thế vận hội Olympic lần thứ 33 vào năm 2024, Đại hội thể thao châu Á lần thứ 20 năm 2026. Bên cạnh đó, Đại hội cũng là sự kiện để tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành của đội ngũ cán bộ, trọng tài.

Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX hướng tới sự trong sạch, tinh thần cao thượng và nói không với doping. Ảnh: Ngọc Tú
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX hướng tới sự trong sạch, tinh thần cao thượng và nói không với doping. Ảnh: Ngọc Tú

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được quan tâm tại Đại hội Thể thao toàn quốc kỳ này là công tác phòng, chống doping. Đặc biệt sau những nghi vấn về doping của các vận động viên Việt Nam tại SEA Games 31 gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho Ban tổ chức, huấn luyện viên và vận động viên.

Được biết, công tác kiểm tra doping ở Đại hội đã tiến hành xây dựng dự toán và trình cấp trên phê duyệt; xây dựng kế hoạch kiểm tra các địa điểm-trạm lấy mẫu kiểm tra; xây dựng kế hoạch truyền thông doping tại các điểm thi đấu; xây dựng kế hoạch kiểm tra chi tiết cho từng nội dung thi đấu; hoàn thiện bản thảo Sổ tay phòng, chống doping phục vụ Đại hội. Thời gian tới sẽ tiến hành tập huấn đội ngũ cán bộ lấy mẫu kiểm tra doping. Đặc biệt, Đại hội sẽ thực hiện lấy mẫu thử doping bằng hình thức ngẫu nhiên ở bất kỳ các môn, đối với vận động thi đấu trong thời gian Đại hội diễn ra, việc thực hiện lấy mẫu thử kiểm tra doping lại không vượt quá 30 mẫu/kỳ Đại hội, do phụ thuộc vào kinh phí.

“Việc lấy mẫu thử doping đã được thảo luận, Ban tổ chức Đại hội sẽ tiến hành việc này bảo đảm đúng quy định. Các mẫu thử sau khi được lấy sẽ gửi tới phòng xét nghiệm ở nước ngoài để kiểm tra” – ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, với điều lệ khung của Đại hội quy định các vận động viên được phép thi đấu và đúng điều lệ là khi có hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng chuyển nhượng được ký với đơn vị mà mình khoác áo tại Đại hội từ trước ngày 1/9/2022. Đây là động thái nhằm đưa ra biện pháp chặt chẽ tránh việc vận động viên thay đổi đơn vị và kiểm soát được việc các đơn vị chèo kéo vận động viên giỏi từ đơn vị khác về khoác áo thi đấu cho mình, bởi thực tế không ít trường hợp ở những kỳ Đại hội trước, vận động viên của đơn vị này bất ngờ khoác áo đơn vị khác và tất cả đều bởi có tiền lót tay hậu hĩnh.

 

“Công tác phòng, chống doping ở kỳ đại hội này cần phải làm thật tốt qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, để nâng cao ý thức của huấn luyện viên, vận động viên về phòng, chống doping. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác kiểm tra doping đối với các tuyển thủ đoạt huy chương tại đại hội, để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Từng tiểu ban phải phát huy tốt nhất trình độ chuyên môn, phối hợp chặt chẽ để giải quyết, xử lý các vướng mắc, khó khăn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, tránh chồng chéo công việc. Tất cả hướng tới mục tiêu tổ chức một kỳ đại hội trong sạch, bảo đảm đúng tinh thần thể thao cao thượng” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần