Tại văn bản số 1086/VPCP-KTTH ngày 18/2/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, theo thẩm quyền chủ động điều hành giá xăng dầu bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; đánh giá kỹ tác động đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả điều hành giá xăng dầu; kiểm tra xử lý nghiêm không để xảy ra các hành vi trục lợi, đầu cơ, vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động làm tốt công tác thông tin, truyền thông về việc điều hành giá xăng dầu để người dân và doanh nghiệp biết tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tại cuộc họp trực tuyến với điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp cung ứng xăng, dầu để bàn giải pháp bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu ở thời điểm này.
Trước hết là do tình trạng đứt gãy nguồn cung ở Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, trên phạm vi cả nước đều đã xuất hiện những hiện tượng khá giống nhau, đóng cửa hàng hoặc mở ít giờ, bán nhỏ giọt; tìm nhiều lý do để trì hoãn mở cửa hoặc bán với giá cao hơn, gây tâm lý bất an.
Nguyên nhân thứ ba, có hiện tượng găm hàng, để trục lợi. Hiện tượng này diễn ra ở cả 3 loại hình doanh nghiệp: Đầu mối, thương nhân phân phối và đặc biệt ở các cửa hàng bán lẻ.