Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan về tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016.

Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các bộ: KH&ĐT, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn và các chuyên gia kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất
Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia kinh tế nhận định và đề xuất các giải pháp cho thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, không để bị động trong chỉ đạo điều hành, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. “Kiên quyết giữ vững các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra” - Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực, các bộ, ngành phải có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, không nói chung chung.

Về điều hành chính sách, Thủ tướng cho rằng, phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách khác. Thủ tướng lưu ý bảo đảm chất lượng tăng trưởng GDP bên cạnh số lượng; đồng thời nhấn mạnh việc huy động các nguồn lực, cả bên trong và bên ngoài, để bảo đảm tốc độ tăng trưởng. Trong đó, giải ngân mạnh mẽ các nguồn vốn cho xây dựng cơ bản, để đồng vốn đến các công trình, dự án, phát huy hiệu quả. Không để tình trạng vốn ODA, trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn ngân sách còn dư mà không giải ngân được. Bên cạnh đó, phải cổ phần hóa DN Nhà nước một cách mạnh mẽ để có nguồn lực cho tăng trưởng. Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ công tác, kiểm tra, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành cần quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng khó khăn, thiên tai, lũ lụt, hạn hán.

Tại cuộc làm việc, các ý kiến phát biểu nhất trí rằng nền kinh tế chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Số DN đăng ký mới tăng mạnh. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, an ninh trật tự an toàn xã hội được bảo đảm… Tuy nhiên, nền kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức. Do đó, các đại biểu đề xuất các giải pháp cho thời gian tới, trong đó, nhấn mạnh vào giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh để kích thích đầu tư, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, có chính sách, cơ chế hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DN Nhà nước; tăng cường công tác thông tin truyền thông để hạn chế tình trạng lạm phát tâm lý...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần