Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm phát triển bền vững ngành luyện kim

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt là phải bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của ngành luyện kim Việt Nam.

Quy hoạch đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là hoàn thành khoảng 25 đề án thăm dò quặng sắt, đạt mục tiêu khoảng 294 triệu tấn trữ lượng cấp 121 và 122; đưa vào khai thác và chế biến đạt công suất thiết kế 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn là Thạch Khê (Hà Tĩnh) và Quý Xa (Lào Cai); các mỏ quặng sắt quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn; Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa và Quảng Ngãi.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Giai đoạn 2021 - 2030 phấn đấu tăng dần sản lượng khai thác và chế biến và đạt khoảng 25 - 25,5 triệu tấn (tương ứng với 36 - 37 triệu tấn công suất) vào năm 2025 và năm 2030...

Theo Quy hoạch, tổng tài nguyên, trữ lượng quặng sắt đã được điều tra đánh giá và thăm dò của nước ta khoảng 1,3 tỷ tấn (không tính quặng sắt laterit Tây Nguyên). Quặng sắt laterit Tây Nguyên có tiềm năng đáng kể, dự báo khoảng 1,2 tỷ tấn quặng tinh, nhưng chất lượng thấp - sắt nghèo và hàm lượng nhôm cao.

Về quy hoạch phát triển khai thác, chế biến (tuyển quặng), giai đoạn đến năm 2020 sẽ đầu tư cải tạo, mở rộng nâng công suất 16 mỏ và đầu tư mới 35 mỏ, biểu hiện quặng sắt có triển vọng trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, Gia Lai. Trong đó, phấn đấu hoàn thành xây dựng và khai thác, chế biến quặng sắt mỏ Thạch Khê đạt công suất 5 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa đạt công suất 3 triệu tấn/năm (giai đoạn 2); thực hiện khai thác và chế biến thử nghiệm quặng sắt laterit ở tỉnh Gia Lai...

Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quặng sắt

Để đạt được các mục tiêu trên thì giải pháp và chính sách đặt ra là phải khẩn trương hoàn thành công tác thăm dò đối với các khu vực mỏ/điểm quặng đã được cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thành công tác thăm dò, tuân thủ quy định của Luật Khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quặng sắt phục vụ cho công tác quy hoạch, quản trị tài nguyên; đẩy mạnh việc tái cấu trúc các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác, liên kết đầu tư các cơ sở chế biến quặng nghèo với quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiến tiến, thân thiện môi trường...

Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến quặng sắt đến năm 2030 khoảng  20.282,5 tỷ đồng.