Báo động chất lượng đào tạo nhân lực ngành y

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thầy cô truyền dạy kiến thức cũ, cộng với chất lượng đầu vào chưa cao, việc dạy và học không gắn với thực tiễn..., nên sau 6 năm đào tạo, đa số sinh viên (SV) ngành y chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập.

Đầu vào thấp

Trong một hội thảo về đổi mới đào tạo nhân lực ngành y, GS.TS Đào Văn Dũng - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, thách thức chính đối với y tế nước ta hiện nay là nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh truyền nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng; các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường. Và ngày càng nhiều yếu tố như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe Nhân dân… Vì thế, đổi mới nhân lực y tế là đòi hỏi cấp thiết và khách quan.
Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội thực hành khám bệnh cho trẻ em.   	Ảnh: Nguyễn Thủy
Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội thực hành khám bệnh cho trẻ em. Ảnh: Nguyễn Thủy
Thế nhưng, hiện nay có quá nhiều cơ sở giáo dục, kể cả những trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. Đặc biệt, các ngành y dược được coi là ngành “hot” của một loạt trường ĐH ngoài công lập, nhiều trường chuyển từ tập trung đào tạo các ngành kinh tế sang y dược vì nhận thấy nhu cầu lớn của người học. Điều này dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành cũng hạn chế. Theo GS.TS Lương Xuân Hiến - Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Bình, đào tạo nhân lực ngành y đang có những bất cập, đặc biệt là điểm tuyển sinh đầu vào ở một số trường quá thấp. Quan niệm lâu nay chỉ những người giỏi mới có thể vào y dược dường như đã trở nên… sai, khi thậm chí chỉ cần mức điểm sàn hoặc cận sàn… Đối với ngành y đa khoa, một số trường có thương hiệu tuyển ở mức chuẩn rất cao, “gạt ra không hết” thì ở những trường đa ngành có tuyển y đa khoa, mức điểm khiêm tốn hơn nhiều. Và trên thực tế, sau 6 năm đào tạo, đa số SV chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập.

Một hạn chế lớn của đào tạo ngành y dược là việc dạy và học không gắn với thực tiễn. Trong khi kiến thức mới cũng như kỹ thuật ngành y ngày càng nhiều và hiện đại, thì đa phần chương trình đào tạo hiện nay là thông tin cũ từ mấy chục năm trước. Những gì nhà trường và các thầy cô đem áp đặt cho người học chưa phải là những cái xã hội cần. Chương trình cũ, phương pháp dạy không thay đổi, chất lượng đào tạo không nâng cao thì SV ra trường không hành nghề được là điều đương nhiên.

Gắn chuẩn đầu ra với thực tiễn

Theo GS Phạm Huy Dũng – Phó Chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long, một nguyên nhân nữa khiến cho chất lượng nhân lực ngành y không đạt như mong muốn là do chính SV ngành y dược - chưa có sự chủ động trong việc học, thầy cô dạy gì nghe thế mà không có sự tìm tòi, phát hiện, ghi chép. Đi thực hành tại các bệnh viện, SV thiếu tính chủ động vào cuộc một cách mạnh mẽ. Điều này cũng bởi SV không có phương tiện và điều kiện, cụ thể là do thiếu cơ sở thực hành lâm sàng, thời gian thực hành không nhiều, bệnh nhân không muốn SV khám bệnh nên các em chỉ được làm vài việc đơn giản như đo huyết áp, cặp nhiệt độ...

Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành y dược, GS.TS Lương Xuân Hiến đề nghị việc xây dựng chương trình giảng dạy phải có chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra ở đây là phải lấy thực tế khách quan và yêu cầu xã hội làm căn cứ, chứ không phải là chuẩn do nhà trường quy định như nhiều cơ sở đào tạo đang làm. Tiếp đến là rà soát lại mạng lưới đào tạo nhân lực y dược và quy hoạch theo hướng hội nhập quốc tế. Bộ Y tế và GD&ĐT cần cân nhắc lựa chọn thỏa đáng những cơ sở đào tạo ngành y dược đảm bảo đủ năng lực đào tạo. Bộ Y tế cần sớm có văn bản mới chỉ đạo việc kết hợp viện - trường theo hướng SV phải được học nhiều ở các bệnh viện. Các nhà trường đào tạo nhân lực y tế cần trang bị cơ sở vật chất tốt, cán bộ có chất lượng để triển khai có hiệu quả phòng thực hành tiền lâm sàng cho SV thành thạo các kỹ thuật trước khi đi lâm sàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn - ĐH Y Dược Thái Nguyên cho biết, hiện nay trừ số học sinh thi tuyển theo tinh thần “3 chung” của Bộ GD&ĐT đảm bảo về chất lượng đầu vào, thì các đối tượng khác còn khá hạn chế. Do đó, cần mở rộng các cơ sở thực hành kỹ năng tại các cơ sở y tế từ tuyến T.Ư cho đến tuyến y tế cơ sở theo hướng chăm sóc sức khỏe ban đầu và cộng đồng; tăng cường kiểm định chất lượng nhà trường, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn khu vực và quốc tế. Một đề nghị được nhiều chuyên gia đồng tình là ưu tiên đầu tư tập trung và đầu tư hiệu quả, chấm dứt việc đầu tư dàn trải kém hiệu quả như hiện nay. Ngoài những cơ chế chính sách về tài chính, phải đổi mới hàng loạt cơ chế chính sách khác có liên quan đến giáo dục, đào tạo.