Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động đỏ mua bán hóa đơn trái phép

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc Công an TP Hải Phòng tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đại gia Ngô Văn Phát (sinh năm 1964) - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xăng dầu Phát về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng".

Vi phạm khủng của DN này với giao dịch lên tới hơn 5.000 tỷ đồng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của DN trong việc lập ra các công ty “ma” để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Đây không phải là vụ mua bán trái phép hóa đơn với các giao dịch “khủng” lên đến hàng nghìn tỷ đồng duy nhất. Cách đây 2 tháng, Công an TP Hải Phòng cũng đã phanh phui một đường dây mua bán hóa đơn khủng với giá trị lên tới 5.000 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2017, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, tạm giữ 5/6 đối tượng liên quan đến đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trị giá gần 600 tỷ đồng ở Hà Nội.
Trở lại với vụ án liên quan đến đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát, thông tin từ Cục Thuế TP Hải Phòng cho biết, cơ quan này đã cung cấp thông tin, tài liệu giấy chứng nhận đăng ký DN, hồ sơ đặt in và phát hành hóa đơn, hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng trong quá trình hoạt động và giấy tờ liên quan đến Công ty CP Xăng dầu Phát của 14 DN trên địa bàn Hải Phòng cho Cơ quan Công an nhằm phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, trong 14 DN này có 13 DN trong tình trạng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, ngừng hoạt động chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Một DN đang hoạt động là Công ty CP xăng dầu Phát.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra. Chiêu thức để “qua mặt” cơ quan chức năng vẫn là thành lập các DN nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả để sử dụng vào việc bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng nhằm thu lời bất chính.
Theo quy định kê khai thuế, DN tự khai, tự chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế chỉ kiểm tra với các DN có dấu hiệu rủi ro, vi phạm. Hồ sơ của Công ty CP xăng dầu Phát cho thấy, có nhiều công ty liên quan đến đại gia Ngô Văn Phát được thành lập từ năm 2016 - 2017 và đến năm 2019 - 2020 thì bị cơ quan thuế khóa hóa đơn. Chưa rõ, kết quả điều tra cho thấy trách nhiệm của các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan thuế đến đâu, có sai sót hay vi phạm gì không.
Nhưng thực tế, thời gian qua, các vụ án mua bán trái phép hóa đơn ngày càng có giá trị lớn, chiêu thức ngày càng tinh vi. Điều này cho thấy, nếu quản lý thuế, quản lý DN không nhạy cảm, theo kịp để phát hiện và ngăn cản các hành vi vi phạm pháp luật thì tình trạng này vẫn sẽ diễn ra. Và hàng nghìn tỷ đồng hóa đơn được kê khai khống, kê khai sai sự thật, hàng nghìn DN được lập ra nhưng không hoạt động vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, gây bất ổn xã hội, vi phạm pháp luật.
Vì thế, việc nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cán bộ thuế để ngăn chặn tình trạng các DN thành lập ra chỉ để mua bán hóa đơn rồi “biến mất” không dấu vết là cực kỳ cần thiết. Ngoài ra, câu chuyện thường xuyên giám sát, quán triệt cán bộ, công chức, thường xuyên rèn luyện đạo đức cũng quan trọng không kém, để tránh tình trạng “móc ngoặc”, nhắm mắt cho qua của các cán bộ, công chức đối với các DN vi phạm pháp luật.