"Báo động đỏ" sạt lở biển Cà Mau

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Vào mùa mưa bão, là lúc Cà Mau căng mình đối phó với sạt lở nguy hiểm, đe dọa cả hai mặt biển Đông-Tây. Mới đây, tỉnh này lại phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển. Đâu là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề này?

10 năm qua, Cà Mau mất hơn 5.200ha đất vì sạt lở biển
10 năm qua, Cà Mau mất hơn 5.200ha đất vì sạt lở biển

Sự tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254 km, làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã).

Cà Mau vừa công bố khẩn cấp về thiên tai đối với sạc lở biển
Cà Mau vừa công bố khẩn cấp về thiên tai đối với sạc lở biển

“Điệp khúc” khi vào mùa mưa bão

Sáng 26/8, trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Tô Quốc Nam Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển với 6 đoạn, tổng chiều dài hơn 29km tại ba huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi.

Sau những đợt sóng lớn, những cánh rừng phòng hộ bị phá hủy là lúc phần đất liền bị xoáy lở ra biển.
Sau những đợt sóng lớn, những cánh rừng phòng hộ bị phá hủy là lúc phần đất liền bị xoáy lở ra biển.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sạt lở trong thời gian dài đã khiến nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, hở hàm ếch vào phía trong. Sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm đối với 6 đoạn bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm: đoạn cửa biển Hóc Năng (dài 2,5km); kênh Năm đến kênh Chùm Gọng (dài 4,1km); kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy (dài hơn 7,1km); Kiến Vàng đến Ông Tà (dài 6,4km); cửa biển tại ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (đoạn L3, dài 1km); Hố Gùi đến Bồ Đề (dài 8km). Dự báo, diễn biến sạt lở ngày càng gia tăng. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Thuận (huyện Đầm Dơi); các trường học, trụ sở cơ quan nhà nước, hệ thống công trình lưới điện, diện tích đất sản xuất của người dân, đặc biệt là công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.

Lực lượng tại chỗ của huyện Trần Văn Thời căng mình hộ đê mùa mưa bão 2022
Lực lượng tại chỗ của huyện Trần Văn Thời căng mình hộ đê mùa mưa bão 2022

 “Điệp khúc” đê biển Cà Mau phải căng mình trong mưa bão đã tồn tại nhiều năm nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàng hộ dân ven biển phía Đông và Tây của Cà Mau. Gần nhất, chiều 20/7/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử ký ban hành Quyết định hỏa tốc về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn từ bờ nam cống Kênh Mới đến bờ bắc cống Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) và khu vực Vàm Tiểu Dừa (huyện U Minh). Đây là lần thứ 5 trong 7 năm gần đây, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp nêu trên liên quan đến tình trạng sạt lở đê biển Tây. Tại các khu vực công bố tình huống khẩn cấp nêu trên hiện có 5 vị trí sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài gần 3.200m, tổng kinh phí thực hiện gần 37 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Trong số những đoạn sạt lở trên, nghiêm trọng là khu vực từ bờ nam cống Kênh Mới đến bờ bắc cống Đá Bạc với tổng chiều dài hơn 2.600m, đai rừng còn rất mỏng và nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sạt lở làm hư hỏng kè rọ đá áp sát mái đê, xâm thực vào đến tận chân đê, uy hiếp an toàn đê biển và có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào.

Giải pháp tình thế

Nhằm chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở liên tục tái diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng liên quan huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong đó, cần ưu tiên huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cấp cứu kịp thời người bị nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Huy động mọi nguồn lực (bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai) để xử lý khẩn cấp bước đầu hạn chế sạt lở và các biện pháp cần thiết khác.

Ông Lê Văn Sử Phó CT UBND tỉnh Cà Mau (bìa trái) đang chỉ huy hộ đê tại hiện trường đê biển huyện Trần Văn Thời (ảnh chụp năm 2022)
Ông Lê Văn Sử Phó CT UBND tỉnh Cà Mau (bìa trái) đang chỉ huy hộ đê tại hiện trường đê biển huyện Trần Văn Thời (ảnh chụp năm 2022)

Sở NN và PTNT phối hợp các địa phương khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến sạt lở; khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn; bố trí lực lượng theo dõi diễn biến sạt lở.

Lực lượng ứng cứu đang gia cố một đoạn đê đang có nguy cơ bị vỡ vì sóng lớn

Tổ chức khảo sát, lựa chọn giải pháp và lập thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở theo tình huống khẩn cấp, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định có liên quan…

Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo ông Tô Quốc Nam, để giải quyết căn cơ đối phó với tình hình sạt lở biển Cà Mau như hiện nay cần 2 phải đạt được 2 vấn đề, đó là phương pháp chống xâm thực của biển hiệu quả và vấn đề tài chính.

Trong chuyến khảo sát thực địa và làm việc tại Cà Mau ngày 12/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao phương pháp, chắn sóng, tạo bãi, kết hợp trồng rừng mà Cà Mau đang thực hiện. Qua đó đã giữ lại được nhiều diện tích rừng, đê biển không bị biển xâm lấn, xoáy lở.

Sau nhiều giải pháp được triển khai thử nghiệm, những năm gần đây Cà Mau đã thực hiện các biện pháp xây kè đá khan để chống sạt lở hay tạo bãi bồi nhằm bảo vệ rừng phòng hộ. Qua đó đã chứng minh được tính hiệu quả.

Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh - chuyên gia nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu ở ĐBSCL cho biết, qua theo dõi từ năm 2012 đến nay ông thấy đây là một công trình rất hợp lý cho khu vực. “Trước khi có bờ kè này gió và sóng biển đập vào bờ và cuốn trôi ra biển những cây đước cao hàng chục mét đã có bộ rễ ăn sâu vào đất. Từ khi có bờ kè chắn sóng thì dù bên ngoài bờ kè gió – sóng biển hoạt động mạnh, nhưng bên trong vùng được bảo vệ mặt nước rất yên tĩnh. Từ đó tạo điều kiện cho bùn lắng tạo bãi bồi và giúp bảo vệ bờ biển trước sóng to, gió lớn do biến đổi khí hậu” – Thạc sỹ Kỷ Quang Vinh cho biết thêm.

Kè chắn sóng tạo bãi đang phát huy hiệu quả ở Khánh Hội, huyện U Minh
Kè chắn sóng tạo bãi đang phát huy hiệu quả ở Khánh Hội, huyện U Minh

Tại thực địa, khu vực ven biển huyện U Minh (Cà Mau), sóng dữ đánh trực tiếp vào hai bên mạn sườn bờ biển xã Khánh Hội. Tuy nhiên, nhờ lớp kè bằng đá chất chồng lên nhau, áp sát vào mặt bờ nên sạt lở bờ biển không xảy ra như nhiều. Loại công trình nêu trên có tên gọi là kè đá khan. Anh Tô Văn Hoài, nhà ở xã Khánh Hội cho biết: “Nhiều khi cũng lo vì sóng dữ bao trùm qua khu kè đá, nhưng từ ngày chính quyền địa phương triển khai khu kè sát bờ đến nay sạt lở không xảy ra nữa.” Mô hình kè đá khan hiện đã được triển khai từ năm 2020 đến nay tại ít nhất 5 khu vực ven bờ biển Tây thuộc huyện U Minh và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài kè đã hoàn thành hơn 7 km và cao trình đỉnh kè khoảng 1,5 m. Kinh phí mỗi km kè từ 7-9 tỷ đồng (tùy thời giá vật tư). Ưu điểm của mô hình kè này là chi phí thấp, thi công nhanh ứng phó với sạt lở khẩn cấp.

Theo dự kiến, để thực hiện căn cơ tình trạng sạt lở biển, Cà Mau cần đến gần 9.000 tỷ đồng cho những năm tới.
Theo dự kiến, để thực hiện căn cơ tình trạng sạt lở biển, Cà Mau cần đến gần 9.000 tỷ đồng cho những năm tới.

“Giải pháp kỹ thuật đã có, nhưng cái khó của Cà Mau là thiếu vốn” – Theo đánh giá của Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau, hơn 300km bờ biển Cà Mau hiên đang cần nguồn vốn hơn 8.000 tỷ đồng để thực hiện xây kè chắn sóng, tạo bãi bảo vệ đê, giữ đất. Theo ông Nam, hầu như năm nào cũng vậy, như điệp khúc muôn thuở của Cà Mau là vào mùa mưa bão buộc phải công bố tình huống sạt lở biển khẩn cấp. Ngay trong năm nay, để giải quyết khẩn cấp 29km bờ biển đang đứng trước nguy cơ bị sói lở nghiêm trọng, Cà Mau phải cần ngay 1.800 tỷ để làm kè giảm sóng, chắn sóng từ xa, tạo bãi trồng rừng cho 29 km bờ biển đang bị xâm thực. Chưa kể các đoạn đê nằm trong khu du lịch sẽ vừa giảm sóng phải khai thác làm đường xe điện phục vụ du khách.

Có lúc, sóng đã đánh tràn qua con đê biển  đoạn qua huyện Trần Văn Thời
Có lúc, sóng đã đánh tràn qua con đê biển  đoạn qua huyện Trần Văn Thời

Tuy nhiên, do nguồn vốn trung ương còn hạn chế, nên nhiều khả năng  hết năm 2024, Trung ương chỉ hỗ trợ được cho Cà Mau khoảng 700 tỷ đồng. “Con số đó khó có thể giải quyết triệt để căn cơ vấn đề, nên năm sau có thể Cà Mau lại sẽ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở đê biển như hiện tại và những năm trước đây” – ông Tô Quốc Nam cho biết thêm.