Báo động đỏ TNGT đường sắt tại các điểm giao cắt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp, song từ đầu năm 2009 đến nay, TNGT đường sắt vẫn luôn có những diễn biến phức tạp; đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện đường bộ cố tình không chấp hành nghiêm pháp luật ATGT đường sắt...

KTĐT - Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp, song từ đầu năm 2009 đến nay, TNGT đường sắt vẫn luôn có những diễn biến phức tạp; đặc biệt là tình trạng người điều khiển phương tiện đường bộ cố tình không chấp hành nghiêm pháp luật ATGT đường sắt, cố tình vượt qua đường sắt tại các đường ngang gây TNGT nghiêm trọng.

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2009, cả nước đã xảy ra 594 vụ TNGT đường sắt, làm chết 218 người và bị thương 412 người. Qua phân tích, các vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường sắt- đường bộ chiếm tỷ lệ khá lớn.

Chỉ tính riêng trong tháng 10/2009, 51 vụ TNGT cho cả lỗi chủ quan và khách quan, trong đó có tới 30 vụ TNGT xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường - đường bộ; chiếm tới 58,8%. Cụ thể, có 18 vụ TNGT do lái xe ôtô thiếu chú ý quan sát, cố tình vượt qua đường ngang khi tàu đang tới gần, trong đó tại đường ngang dân sinh là 7 vụ; 17 vụ do lái xe máy va vào tàu (10 vụ xảy ra ở đường ngang dân sinh) và 4 vụ xe đạp va vào tàu, đều diễn ra ở các điểm đường ngang bất hợp pháp...

Theo ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban ATGT (Tổng Công ty đường sắt), nguyên nhân chính dẫn tới các vụ TNGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bô phần lớn là do người điều khiển phương tiện đường bộ chủ quan, thiếu chú ý quan sát và thậm chí cố tình vượt qua đường ngang khi đã có tín hiệu đèn, còi và nhân viên tàu đã đóng thanh ngang. Nhiều vụ TNGT đã để lại hậu quả thảm khốc.

Điển hình là vụ TNGT đường sắt xảy ra vào hồi 10h05 ngày 10/8/2009, tại Km 61+ 500 thuộc xã Nam Đồng, Tp. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Tàu khách mang số hiệu LP6 lư thông hướng Hà Nội- Hải Phòng va vào xe ôtô tải mang BKS 34L-5974, làm 1 người chết và 4 người bị thương. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do tài xế lái xe ôtô tải không chú ý quan sát và để phương tiện dừng ngay trên đường mặt ray dẫn đến tai nạn.

Cũng tương tự, vào hồi 14h, ngày 16/8/2009, trên quốc lộ 1A, thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội), vụ tai nạn kinh hoàng khiến tài xế ôtô Nguyễn Văn Trọng tử nạn ngay tại chỗ. Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do lái xe ôtô tải chở cát không chú ý quan sát, quay đầu xe chạm vào đường ray đúng lúc tàu chạy tới. Vụ TNGT đường sắt này còn gây ách tắc giao thông kéo dài khoảng 10 km, từ huyện Phú Xuyên đến thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT đường sắt vừa xảy ra vào ngày 22/11/2009 tại Km 27 + 400 (khu gian Chợ Tía - Phú Xuyên) thuộc địa bàn thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội. Xe ôtô BKS 30S-2371 chở 26 người đi từ trong khu dân cư ra QL1A (cũ).

Nguyên nhân được xác định do lái xe không dừng lại quan sát, cố tình vượt qua đường sắt tại đường ngang không có người gác chắn, trong khi ban lái tàu đã kéo còi cảnh báo liên tục, xử lý hãm khẩn cấp và người dân xung quanh đã giang tay làm tín hiệu cho ô tô biết là có tàu đến để ô tô dừng. Hậu quả khiến 9 người chết và 10 người bị thương nặng đang cấp cứu tại bệnh viện.

Cũng qua thống kê của ngành Đường sắt, trên mạng lưới đường sắt toàn quốc hiện tồn tại hơn 4.000 đường ngang dân sinh. Cùng với đặc thù đường sắt hiện nay thường nằm song song và sát với đường bộ nên việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt diễn ra ở hầu hết các khu vực đông dân cư…

Chính vì vậy, tại các điểm đường ngang thường tiềm ẩn TNGT rất cao. Bên cạnh đó, ở nhiều vụ TNGT đường sắt gần đây còn có nguyên nhân bắt nguồn từ việc tài xế lái xe ôtô cố tình vượt qua các đường ngang dân sinh; trong khi đó lái xe ôtô thường rất chủ quan, thiếu quan sát hướng tàu chạy. Điều này cũng cho thấy, một bộ phận lái xe ôtô hiện nay rất thiếu kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật ATGT khi tham gia giao thông tại những đoạn tuyến, vị trí đường bộ, đường sắt giao nhau.

Khắc phục tình trạng này, ngành Đường sắt Việt Nam đang phối hợp với ngành Đường bộ tổ chức triển khai thực hiện việc lắp đặt rào chắn ngăn cách giữa đường bộ và đường sắt trên một số đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ ôtô đâm, đổ và lao vào đường sắt và tiến hành khảo sát một số đường ngang dân sinh để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét cho tổ chức triển khai các biện pháp phòng vệ hợp lý, bảo đảm ATGT.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ tiếp tục yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc tăng cường mọi biện pháp như: siết chặt quy trình chạy tàu; thông tin tín hiệu; bổ sung biển báo, biển cảnh báo tàu hoả tại các đường ngang dân sinh; duy tu, bảo dưỡng mặt đường sắt luôn an toàn, êm thuận...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần