Nợ xấu tăng ở hầu hết ngân hàng
Kết thúc đợt công bố báo cáo tài chính quý II/2023, một loạt các báo cáo tài chính (BCTC) của các ngân hàng cho thấy áp lực nợ xấu đang gia tăng.
Tính đến hết 30/6, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 28 ngân hàng ở mức 2,02%, tăng 0,41 điểm % so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình giảm từ 127% còn 105%. Tuy đây là điều đã được dự báo trước, nhưng kết quả thực tiễn vẫn gây ra những lo lắng nhất định.
Như MSB, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,56%, trong khi nợ xấu tuyệt đối cũng tăng 69% lên 3.496 tỷ đồng. Còn tại TPBank, nợ xấu tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm lên 3.912 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ mức 0,84% lên 2,21%. Tương tự, nợ xấu tại Eximbank cũng tăng 54% so với đầu năm lên 3.625 tỷ đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 1,8% lên 2,75%.
Nợ xấu của một ngân hàng khác cũng đã tăng 65% trong 6 tháng đầu năm 2023, lên mức 5.656 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 80%, lên 2.438 tỷ đồng. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1,46% cuối quý II/2023 lên 2,23% cuối quý II/2023. NamABank tăng 1,09% lên 2,72%. PG Bank từ 2,56% lên 2,77%.
Nhóm Big 4 cũng không thoát khỏi xu hướng chung, dù mức tăng có nhẹ hơn. Tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của BIDV tăng lên 1,59%. Vietcombank có tỷ lệ 0,83%, tăng 0,15 điểm %. VietinBank nhích tăng nhẹ từ 1,24% lên 1,27%. Agribank tăng từ 1,64% lên 1,77%.
Dù chính sách tái cơ cấu nợ mới của NHNN đã được triển khai từ tháng 4/2023, nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong quí II/2023, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt.
Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi, các DN hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu đã ảnh hưởng đến khả năng trả nợ, từ đó làm cho nợ xấu gia tăng dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của thị trường BĐS sẽ gây ra áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS cao như Techcombank, VPBank, SHB,…", WiGroup nhận định. Nhóm phân tích dự báo, áp lực nợ xấu của ngân hàng trong hai quý cuối năm vẫn sẽ tăng cao do tín dụng BĐS chiếm 21% tổng dư nợ và bộ đệm dự phòng của ngân hàng đã mỏng đi trong quý này, đạt mức 102,8% và thị trường BĐS gặp khó về thanh khoản.
Chật vật bán tài sản thế chấp xử lý nợ
Không chỉ nóng ruột vì nguy cơ phình to của nợ xấu, các ngân hàng còn "đau đầu" vì xử lý nợ "mắc đủ đường".
VietinBank đã thông báo danh sách gần 400 tài sản bảo đảm cần xử lý, trong đó có nhiều khách sạn 4-5 sao, tòa nhà văn phòng quy mô hàng trăm tỷ đồng. Các tài sản này nằm ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là BĐS du lịch ở Quảng Nam, ở Đà Nẵng, Huế và TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP Cần Thơ, Kiên Giang, Hà Nội.
Nửa đầu năm, BIDV thường xuyên có các thông báo bán nợ, đấu giá tài sản. Nhiều tài sản được rao bán nhiều lần vì chưa có người mua. Nhiều khoản nợ của các công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng như khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Phú Minh Sơn và Công ty CP Thanh Tâm. Mức khởi điểm hơn 346 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và lãi đến tháng 3/2023 là 582 tỷ đồng.
Tương tự, Agribank chi nhánh Trung tâm Sài Gòn bán 6 khoản nợ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng của Công ty CP Thành phố Xanh, Công ty TNHH Âu Á, Công ty TNHH Thương Mại Đầu tư Hoàng Nguyên, Công ty TNHH Đầu tư Khải Phong, Công ty TNHH Đầu tư Nguyên Ngọc, Công ty TNHH MTV Mêkông Đông Dương. Các khoản nợ tính đến 30/4/2023 hơn 1.200 tỷ đồng; có chung 36 tài sản thế chấp tại ngân hàng.
Sacombank thông báo đấu giá khoản nợ 596 tỷ đồng của Công ty CP đầu tư địa ốc Vạn Phát với giá khởi điểm 189 tỷ đồng. Còn khoản nợ 473 tỷ đồng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ có giá khởi điểm 108 tỷ đồng.
Tổng khoản nợ của Công ty Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 và Công ty TNHH kinh doanh địa ốc Anpha lên tới 670 tỷ đồng đang được Sacombank rao bán khởi điểm 145 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang dồn dập bán đấu giá khoản nợ, rao bán tài sản bảo đảm. Số lượng các khoản nợ, tài sản được rao bán trong giai đoạn gần đây ngày càng tăng nhanh từ phân khúc giá trị thấp đến cao cấp với giá trị vài trăm triệu cho đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, việc thanh lý tài sản khó khăn. Rất nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới BĐS rao bán 10 – 20 lần vẫn "ế".
Mới đây, NHNN đã phải yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam rất đáng lo ngại. Nhiều khoản đảm bảo giá trị lớn liên quan tới BĐS nhưng thị trường lại gần như đóng băng. Thậm chí, nhiều ngân hàng nguy cơ mất trắng tài sản thế chấp do khách hàng kiện nhau khiến hợp đồng tín dụng bị vô hiệu.
Theo các chuyên gia tài chính, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường. Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc như hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất. Các ý kiến kiến nghị một số điều kiện để phát triển thị trường nợ. Đó là: hệ thống luật pháp cần chặt chẽ và chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; đa dạng hóa các loại hàng hóa và phương thức mua bán nợ; thông tin minh bạch về khoản nợ, về bên mua, bên bán... Và luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả.