Báo động ô nhiễm môi trường nước

Lê Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ô nhiễm môi trường nước đang có xu hướng gia tăng, là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Đáng nói là dường như nhiều người dân vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nước.

Gia tăng ô nhiễm
Theo các chuyên gia môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường nước trên thế giới hiện nay không chỉ xảy ra ở đới ôn hòa mà còn có trên đới nóng, đới lạnh, tức là bao trùm khắp các châu lục. Theo báo cáo ô nhiễm môi trường nước của UNEP, có tới 60% dòng sông của châu Á – Âu – Phi bị ô nhiễm sinh vật và ô nhiễm hữu cơ.

 Nước thải sinh hoạt đô thị ra sông Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Phạm Hùng
Còn tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường nước không chỉ xảy ra ở nông thôn, mà ô nhiễm môi trường nước ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận cũng rất nghiêm trọng. Ở đó, nước thải sinh hoạt trực tiếp xả ra sông, hồ, kênh, mương. Rất nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, nhiều bệnh viện và cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải; một lượng lớn chất thải rắn trong TP không được thu gom triệt để...
Tình trạng ô nhiễm nước mặt ở nông thôn, khu vực sản xuất nông nghiệp không ngừng gia tăng. 76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe...
Trao đổi xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, ô nhiễm môi trường nước sẽ không ngừng gia tăng mỗi ngày, nếu chúng ta không nhanh chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp giảm thiểu, loại trừ. Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước nói trên chủ yếu là do quá trình tăng dân số, gia tăng rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, sản xuất nông, công nghiệp...
“Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn rác sinh hoạt được thải ra, trong khi lại chỉ có 2 dự án xử lý rác thải "gánh” trách nhiệm chính là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn. Còn hàng loạt dự án xử lý chất thải rắn đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên nhiều dự án bị chậm tiến độ. Việc rác thải sinh hoạt không được xử lý kịp thời, nước rác rỉ ra ngấm sâu vào lòng đất hoặc lại chảy ra cống, kênh đổ vào sông, hồ… cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới ô nhiễm nguồn nước” – PGS.TS Bùi Thị An nhận định.

Nâng cao trách nhiệm của người dân

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước không thể không kể đến yếu tố đô thị hóa. Sự đô thị hóa là quá trình tất yếu của phát triển xã hội. Bất cứ quốc gia nào trên con đường phát triển cũng phải trải qua và sống chung với điều này. Đất đai quy hoạch thành chung cư, tòa nhà cao ốc, cây cối bị chặt để xây nhà, xây đường, cầu vượt. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tháo gỡ bộ mặt của tự nhiên và thay vào đó là sự sầm uất, biểu hiện của cuộc sống hiện đại, của kinh tế phát triển.

Bởi thế, việc hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại khu dân cư, kể cả các khu công nghiệp, nông nghiệp là rất quan trọng để khắc phục ô nhiễm môi trường nước. “Để làm được điều này cần có sự kết hợp của 3 bên đó là: Nhà nước, DN và người dân. Nhà nước là người đầu tư, DN là đơn vị thi công và người dân là người sử dụng” - PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh và cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải tại các khu công nghiệp để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm. Đồng thời khuyến khích người dân nông thôn áp dụng giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường nước bằng cách xây dựng hầm cầu tự hoại, hầm biogas cải tiến để xử lý nước thải, tránh xả trực tiếp phân và nước tiểu trong chăn nuôi ra môi trường. Đặc biệt, cần cải tiến sản xuất nông nghiệp bằng cách dùng phương pháp tự nhiên để tạo dinh dưỡng cho đất, kết hợp sử dụng cây trồng kháng sâu bệnh tốt để hạn chế sử dụng các hóa chất độc hại.
Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng nhận định, đô thị hóa là xu thế phát triển tất yếu của những nước đang phát triển nhưng ý thức, trách nhiệm của người sống trong đô thị cũng cần được nâng cao. Việc tiêu thụ quá nhiều, xả rác bừa bãi và không có ý thức với môi trường sẽ dần hủy hoại cuộc sống của chính con người. “Ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ nguồn nước nói riêng là điều cấp bách để cải thiện chất lượng cuộc sống. Thế nhưng những điều tưởng như đơn giản ấy trong cuộc sống, lại chưa ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Ngay như việc thay đổi thói quen dùng sản phẩm nhựa một lần bằng sản phẩm thân thiện môi trường cũng khó, chỉ rộ lên theo phong trào một thời gian rồi đâu lại vào đó”- PGS.TS Nguyễn Huy Nga đặt câu hỏi.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, nước thải đô thị góp phần lớn nhất đối với ô nhiễm nguồn nước, với chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường. Đây là hậu quả của lịch sử lâu dài để lại do không quan tâm xử lý nước tiêu thoát và nước thải của các đô thị. Do sự phổ biến của các hệ thống cống kết hợp (thu gom chung cho cả nước thải và nước mưa), nước thải sinh hoạt chiếm 30% lượng nước thải ra các hồ, kênh và sông; trong đó các đô thị như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xả vào môi trường khoảng 700.000 - 900.000m3/ngày. Tình trạng này là hệ quả của tỷ lệ kết nối với mạng lưới thoát nước thấp; thiếu đầu tư trên diện rộng vào thu gom và xử lý nước thải; thiếu quan tâm đến tái sử dụng nước thải; mức phí nước thải thấp không đủ bù chi phí và hệ thống quản lý kém hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần