Tuy nhiên vì cuộc sống mưu sinh, người dân nơi đây vẫn chấp nhận duy trì nghề từ bao đời nay.
Sống chung với ô nhiễm
Từ xưa, người làng Triều Khúc đã khéo léo sử dụng lông gà, lông vịt để tạo thành những chiếc chổi lông phục vụ trong sinh hoạt. Những chiếc chổi lông gà do người làng Triều Khúc làm ra được bày bán ở khắp các phố phường Hà Nội. Hàng ngày, người dân trong làng đi đến các chợ đầu mối thu mua lông gà, lông vịt về sơ chế. Lông gà, vịt phơi khô được phân loại, lông nhỏ (thân, cổ, đùi) dùng làm gối, chăn, áo, chổi lông... Với những chiếc lông to (lông ống ở đuôi, cánh) được nhặt riêng bán cho những cơ sở làm cầu lông. Đây từng là nghề đem lại thu nhập chính cho người dân Triều Khúc. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ nghề đối với môi trường không hề nhỏ. Lông được thu gom từ các chợ thường lẫn nội tạng của gà, vịt về làng sẽ phân hủy và phát tán mùi hôi thối khắp nơi. Nếu ai đã từng đến làng Triều Khúc, đoạn ngang qua khu vực xóm Cầu nơi có hơn chục cơ sở chuyên thu gom lông gà, lông vịt, có lẽ sẽ khó có thể quên được mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ những cơ sở làm nghề này. Nỗi ám ảnh đó khiến nhiều người không dám quay lại thêm lần nào nữa. Những đống lông gà, vịt phơi la liệt ngoài đường, chỉ cần một cơn gió nhẹ là cả đám bụi lông sẽ cuốn lên bay khắp nơi.
Bà Nguyễn Thị Huệ đang làm việc tại cơ sở của gia đình ở xóm Mới, làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. |
Ông Đặng Văn Cường, một người dân sống trong làng Triều Khúc chia sẻ, không ai khổ như người dân ở Triều Khúc, quanh năm phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm. Mùi hôi thối từ những đống lông gà lông vịt ám ảnh chúng tôi cả lúc ăn tới lúc ngủ. Ngày bình thường còn đỡ, khổ nhất là sau những ngày mưa trời nắng là lúc mùi xú uế phát tán mạnh nhất. Lúc đó thì chỉ có ở trong nhà đóng cửa cả ngày không dám bước chân ra đường.
Là người gắn bó với nghề thu gom lông vũ hơn 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Huệ, cũng phải thừa nhận, làm nghề này khổ đủ đường. Ngoài sống chung với các mùi xú uế, hàng ngày chúng tôi còn phải hít một lượng lớn bụi từ lông gia cầm. Vì vậy mà hầu hết người làm nghề đều mắc các bệnh về đường hô hấp. “Trước cũng có nhiều người nơi khác đến làm thử nhưng chỉ được nửa ngày là phải bỏ về. Còn mình đã trót theo nghề rồi thì phải bám lấy nghề để sống thôi” – bà Huệ giãi bày.
Chưa có giải pháp tối ưu
Tân Triều là xã có nhiều nghề thủ công truyền thống như dệt, nhuộm, tái chế phế liệu, thu mua lông vũ… Những nghề này đều ít nhiều ảnh hưởng tới môi trường. Để hạn chế tác động của làng nghề đến môi trường, xã đã đầu tư xây dựng điểm công nghiệp làng nghề tập trung, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Đặng Ngọc Quyền cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường thực sự là nỗi nhức nhối, trăn trở của địa phương hiện nay. Xã đã nhiều lần họp bàn tìm cách giải quyết, dồn rất nhiều công sức cũng như tiền của để khắc phục tình trạng này. Đối với nghề thu gom lông vũ xã đã thực hiện di dời các cơ sở thu mua ra xóm Mới, cách xa khu dân cư. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên đối với các cơ sở kinh doanh này. Hàng tuần, tổ chức từ 1 - 2 buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa ven đường. Xã cũng khuyến khích người dân chuyển nghề.
Do đặc thù của nghề và ý thức của người dân nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chủ trương của xã là sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, giới thiệu và đào tạo nghề mới để khuyến khích người dân chuyển nghề, dần xóa bỏ nghề thu mua lông vũ trên địa bàn. Ông Đặng Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều |