Bạo động tạo kẽ hở cho khủng bố

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đối đầu giữa Chính phủ Pháp và các công đoàn lao động liên quan đến luật lao động mới đã biến thành cuộc bạo động quy mô toàn quốc. Thiệt hại của nước Pháp vì diễn biến sẽ không dừng lại ở góc độ kinh tế.

Ngày 15/6, hơn 75.000 người đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối dự luật lao động mới, đang chờ Thượng viện xem xét thông qua. Dự luật này cho phép các nhà tuyển dụng có thêm “dư địa” để giảm lương, ưu đãi và dễ dàng hơn trong việc sa thải nhân viên.
Người biểu tình tập trung tại Paris kêu gọi ông Hollande từ chức - Ảnh: AFP
Người biểu tình tập trung tại Paris kêu gọi ông Hollande từ chức - Ảnh: AFP
Trong khi đó, yêu cầu tối thiểu 35 giờ lao động/tuần vẫn được duy trì nhưng có thể tăng lên 46 giờ/tuần tùy theo thỏa thuận giữa DN và nhân viên. Hậu quả của cuộc đình công trong ngành lọc dầu của Pháp hồi tháng 5 từng khiến 20% các trạm xăng của nước này rơi vào tình trạng cạn khô, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng tạm thời. Đồng thời, tính tới hôm 15/6, các phi công đình công cũng khiến 20% chuyến bay của hãng hàng không Air France bị hủy bỏ. Tháp Eiffel – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất nước Pháp đã phải đóng cửa hoạt động do các cuộc đình công tương tự.

Các cuộc biểu tình phản đối luật lao động mới này đã bắt đầu từ đầu tháng 3 tại Pháp với diễn biến ngày càng gia tăng. Cùng với việc đối phó với làn sóng biểu tình của người dân, nhà chức trách Pháp cũng đang phải ngăn chặn các cuộc đụng độ, va chạm giữa các nhóm cổ động viên đang tham dự giải Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016).

Bên cạnh những hậu quả kinh tế nặng nề về du lịch, năng lượng, hàng không… những cuộc biểu tình diễn biến thành bạo loạn này còn đem đến một mối nguy lớn hơn. Trong một diễn biến liên quan, một nguồn tin an ninh Bỉ cho biết, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bắt đầu rời Syria trong khoảng một tuần trước để tiếp cận Bỉ và Pháp nhằm thực hiện những cuộc khủng bố mới. Việc hàng chục ngàn người hâm mộ EURO 2016 vẫn tiếp tục đổ tới quốc gia này đi kèm với bạo động về luật lao động trở thành kẽ hở để các nhóm khủng bố có thể xâm nhập và thực hiện các cuộc tấn công mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần