Một cuộc điều tra chi tiết, rõ ràng là rất cần thiết để bảo vệ sản xuất thượng nguồn của ngành thép vốn là xương sống của một nền kinh tế.
Cần thiết mở cuộc điều tra hàng nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý là giá nhập khẩu đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD trong quý 4/2023. Bất thường hơn khi quý 1/2024, lượng nhập khẩu thép HRC giá rẻ vẫn ồ ạt tràn về Việt Nam với 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so lượng sản xuất trong nước. Chưa hết, giá nhập khẩu sản phẩm từ một số nước còn giảm 20 - 26% so với năm 2022, quanh mức 550 USD/tấn. Thực trạng này có thể thấy đây rõ ràng là hành vi bán phá giá, bán dưới giá thành.
Trong khi đó, hai đơn vị sản xuất thép HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh mỗi năm sản xuất khoảng 8,5 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên trên thế giới xảy ra hiện tượng hàng nhập khẩu còn lớn hơn cả ngành sản xuất trong nước, gây tác động rõ rệt đến những DN đang sản xuất thép cán nóng dạng tấm và dạng cuộn như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành khi mà thị phần bán hàng nội địa của 2 nhà sản xuất HRC trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Trong khi thị phần của hàng nhập khẩu tăng từ 32% lên gần 46% và dự kiến đà nhập khẩu mặt hàng này năm 2024 sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, nêu quan điểm: “Ngành thép là ngành thượng nguồn của các ngành công nghiệp rất cần phải bảo vệ. Tôi đồng tình với việc mở một cuộc điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu bởi đây là ngành xương sống của một nền kinh tế”. Phân tích chi tiết hơn, PGS.TS Phan Đăng Tuất cho rằng, thép HRC là nguồn nguyên liệu của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vỏ tàu, vỏ xe ô tô hay đầu vào của hàng loạt ngành sản xuất tiêu dùng.
Việc đầu tư sản xuất HRC đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần phải có quy mô và công nghệ cao. Chính vì là ngành sản xuất đầu nguồn rất quan trọng nên nếu Việt Nam mãi phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu thì sản xuất trong nước cũng không ổn định, không thể phát triển mạnh hơn. Đồng thời còn gây mất cân bằng ngoại tệ nếu phải phụ thuộc vào nhập khẩu lớn mặt hàng thép.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, trong định hướng phát triển của Chính phủ, để phát triển ngành công nghiệp bền vững thì phải ưu tiên phát triển sản xuất thượng nguồn. Từ trước đến nay hiệp hội cũng nhất quán theo quan điểm là bảo vệ sản xuất trong nước nói chung. Chính vì vậy, khi có dấu hiệu thép cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam bán phá giá thì cần thiết mở cuộc điều tra để có thông tin chi tiết. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước có vai trò quan trọng này.
Siết lại “hàng rào” bảo vệ sản xuất thép thượng nguồn
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép cán nóng vào khoảng trên 10 triệu tấn mỗi năm. Ngành thép trong nước đã cơ bản chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành thép khi năng lực sản xuất thép cán nóng được sản xuất hằng năm đạt 8,5 triệu tấn/năm, chưa kể một số dự án đang được đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động trong một vài năm tới. Dù vậy, hàng năm nước ta vẫn chi hàng chục tỷ USD để nhập khẩu dòng sản phẩm này dù trong nước đã sản xuất được.
Trong khi đó, các nước Thái Lan, Indonesia có sản lượng thấp hơn Việt Nam, lượng nhập khẩu ít hơn sản xuất trong nước cũng đã dùng biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất thép từ thượng nguồn. Các sản phẩm hạ nguồn như thép cán nguội, tôn mạ màu, thép không gỉ… đều có biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu bán phá giá. Vậy có vô lý hay không khi sản phẩm thép HRC của Việt Nam là nguyên liệu chính để sản xuất các mặt hàng trên lại không được bảo vệ? Hiện nay, thuế MFN (mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường ), thuế nhập khẩu đặc biệt ưu đãi từ các FTA đối với sản phẩm thép cán nóng đều bằng 0%.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới hiện đang duy trì áp dụng các chính sách tốt nhất để bảo vệ sản phẩm thép cán nóng nội địa. Đơn cử, Thái Lan đang có thuế MFN đối với thép cán nóng là 5% và thuế chống bán phá giá cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài lên đến 42%. Ngoài ra, để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, các quốc gia Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ… cũng ban hành các quy định hàng rào kỹ thuật yêu cầu thép cán nóng nhập khẩu vào các quốc gia này phải trải qua quy trình đánh giá khắt khe.
Gần đây, xu hướng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá là thông lệ phổ biến mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có dấu hiệu bất thường về lượng và giá bán hàng nhập khẩu. Từ năm 2010 trở lại đây có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép HRC được khởi xướng, và tỷ lệ áp thuế là 100% số vụ, trong đó doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc bán phá giá nhiều nhất.
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, hàng rào kỹ thuật Việt Nam tuy có nhưng rất đơn giản khi chỉ đánh giá sản phẩm mẫu. Chúng ta đang thiếu hàng rào kỹ thuật theo chuẩn mực quốc tế để ngăn chặn hàng nhập khẩu kém chất lượng, bảo vệ sản xuất trong nước cũng như tạo môi trường bình đẳng để cạnh tranh.
Cốt lõi của một nền kinh tế là phải có sản xuất trong nước lớn mạnh để vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất trong thương mại toàn cầu. Chẳng hạn như lúc bị đứt gãy nguồn cung, gián đoạn vận chuyển… nếu tự chủ được sản xuất trong nước sẽ giúp ổn định thị trường nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do vậy, việc điều tra hàng nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá là cần phải làm. Dưới góc độ quản lý Nhà nước thì ngành chức năng phải can thiệp vào, nếu không sẽ làm chết ngành sản xuất trong nước.
PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.