Báo động tình trạng ô nhiễm không khí

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang vượt mức tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người ở mức báo động ... là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, tại Hội thảo "Hiện trạng bụi PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2020", diễn ra ngày 1/12 tại Hà Nội.

Ô nhiễm không khí diễn biến phức tạp
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh (Đại học Công nghệ) cho biết, theo dữ liệu mô hình ảnh hưởng tổng hợp (MEM), nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 ở Việt Nam có xu hướng giảm so với năm 2019. Trong năm 2019, nồng độ PM2.5 trung bình năm thấp nhất là 9 µg/m3 và cao nhất là 41 µg/m3. Trong năm 2020, nồng độ bụi PM2.5 là 8 µg/m3 và 35,8 µg/m3. Các vùng có nồng độ bụi cao là Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (các khu vực ven biển), TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương.
 Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa.
Trong đó, năm 2020, thủ đô Hà Nội đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, TP có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất. Nồng độ bụi trung bình năm 2019 - 2020 đều vượt quy chuẩn Quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 giảm 16% so với năm 2019. Trong đó, hầu hết các huyện, thị xã ngoại thành (trừ các huyện Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì) nồng độ ô nhiễm đều thấp hơn so với các quận nội thành. Tại 12 quận nội thành, nồng độ bụi dao động trong khoảng từ 31,5 µg/m3 đến 32,9 µg/m3, cao nhất tại quận Hai Bà Trưng (32,9 µg/m3) và thấp nhất tại Hà Đông (31,5 µg/m3). Giá trị này tại các huyện, thị xã ngoại thành nằm trong khoảng từ 24,1 µg/m3 đến 33,6 µg/m3, cao nhất là Gia Lâm (33,6 µg/m3) và thấp nhất tại Ba Vì (24,1 µg/m3).
PGS.TS Nguyễn Thị Nhật Thanh cho rằng, nồng độ bụi có sự biến động rõ rệt theo mùa, trong đó tăng cao trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 và giảm từ tháng 5 đến tháng 9 và có sự chênh lệch rất lớn giữa tháng có nồng độ cao nhất và thấp nhất. Cụ thể, nồng độ bụi PM2.5 của các quận, huyện ở Hà Nội cao nhất trong tháng 2 (dao động từ 38,1 µg/m3 đến 56,1 µg/m3) và thấp nhất là vào tháng 8 (biến động từ 13 µg/m3 đến 18,6 µg/m3). Vào các tháng mùa hè, điều kiện nhiệt độ cao, gió mạnh làm cho bụi dễ khuếch tán, và thời tết mưa nhiều cũng giúp nồng độ bụi PM2.5 giảm thấp.
Cần giám sát chặt tình trạng ô nhiễm
Nghiên cứu của GS.TS.Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự cũng cho thấy, trong năm 2018, lượng bụi PM2.5 phát thải tại Hà Nội là khoảng 20 nghìn tấn/năm (chưa kể bụi đường và một số nguồn khác), trong đó khoảng 48,3% lượng PM2.5 đến từ các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21,3% từ giao thông, 20,2% do đốt phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) và 6,6% do đun nấu dân dụng, thương mại và khoảng 3,6% đến từ các lĩnh vực còn lại.
 Bản đồ ô nhiễm bụi PM2.5 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2020.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5, bà Nguyễn Thị Phương Nhung – Điều phối Chương trình Khoa học Công dân (Trung tâm Sống và Hoạc vì Môi trường Cộng đồng) cho rằng, các đơn vị chức năng cần tếp cận đa nguồn và dữ liệu mô hình tính toán từ ảnh vệ tinh trong giám sát chất lượng không khí (CLKK) nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng môi trường không khí ở cấp Quốc gia, vùng miền và tỉnh, TP. Xây dựng bản đồ phân bố bụi PM2.5 chi tết tới từng quận, huyện, thị xã tại các tỉnh, TP có ô nhiễm bụi PM2.5 để các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và ban, ngành liên quan đưa ra các ưu tên và giải pháp quản lý CLKK phù hợp với tinh hình thực tế của địa phương…
Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, cùng với tăng cường các biện pháp giám sát, cảnh báo CLKK, mức độ ô nhiễm bụi PM2.5… để các đơn vị chức năng đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam nói chung và các tỉnh, TP có tình trạng ô nhiễm PM2.5 nói riêng, chúng ta cần có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm hạn chế các nguồn phát thải phát sinh. Trong đó, cần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích sử dụng các loại phương tiện công cộng, thay thế dần các loại nguyên liệu truyền thống bằng các loại nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường; Đẩy nhanh tiến độ di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, đặc biệt là các làng nghề… Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ…

PM2.5 – Các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Khi nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Do bụi mịn PM2.5 với kích cỡ li ti bằng 1/30 sợi tóc nên được coi là "sát thủ" nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào cơ thể, gây ra hàng loạt bệnh về hô hấp.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, bụi PM2.5 là chất ô nhiễm không khí có tác động nguy hại tới sức khỏe cộng đồng đã được chỉ ra trong rất nhiều nghiên cứu. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Sức khỏe, cứ 10 người thì có 9 người hít thở không khí có nồng độ bụi PM2.5 cao hơn 10 µg/m3.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần