“Bão giá” xây dựng cơ bản

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xăng, dầu và xi măng đồng loạt điều chỉnh tăng giá sẽ khiến chi phí xây dựng công trình tiếp tục đội lên. Để ngành xây dựng có thể trụ vững và hoạt động ổn định, rất cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc.

Xi măng, sắt thép tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng  
Xi măng, sắt thép tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng  

Giá xây dựng cơ bản tăng 150%

Kể từ ngày 10/5, một số DN đã chủ động điều chỉnh giá bán xi măng bao và xi măng rời lần thứ 2 trong năm 2022 (lần gần nhất vào ngày 20/3) với mức tăng dao động từ 50.000 - 95.000 đồng/tấn. Ví như xi măng Vicem Bút Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán 50.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm xi măng bao dân dụng PCB30, PCB40, MC25, C91; Xi măng bao PCB30, PCB40.

Bên cạnh đó, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao, rời tăng thêm 70.000 đồng/tấn; giá xuất khẩu xi măng và clinker tăng 95.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT). Theo đó, việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 10/5.

 

Mặt hàng xăng, dầu từ chiều 11/5 đã điều chỉnh tăng giá lần thứ 8 kể từ đầu năm 2022. Đối với nhà thầu, chi phí các ca máy thi công trên công trường sẽ bị đội lên rất cao. Cùng với điều chỉnh của xi măng, sẽ làm chậm tiến độ triển khai các dự án.

Hiện tại, thị trường thép trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao trong vòng hơn một tháng qua, với thép xây dựng CB240 tại các khu vực Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 18.180 - 19.850 đồng/kg. Với thép thanh vằn D10 CB300 có giá từ 18.280 - 19.630 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, việc duy trì sắt thép vẫn ở mức cao và xi măng phải điều chỉnh tăng giá đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiên liệu (xăng, dầu) điều chỉnh tiếp tục tăng; việc nhập khẩu các nguyên, vật liệu để sản xuất (quặng sắt cho các lò điện; than mỡ luyện cốc...) bị ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu từ căng thẳng xung đột Nga - Ukraine và cả vấn đề siết xuất, nhập khẩu vì chiến lược "zero Covid-19" của Trung Quốc.

Tại tọa đàm chuyên đề “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế” được tổ chức mới đây, Chủ tịch GP.Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp phân tích, cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19, thị trường vừa chứng kiến hai lần “bão giá” vật liệu xây dựng cùng với tác động của đại dịch Covid-19.

Hơn nữa, đang thiếu và rất khó tìm kiếm công nhân cho các DN xây dựng, nhà thầu. "Nếu như trước đây, giá một mét vuông xây dựng cơ bản với nhà thấp tầng chỉ 4 triệu đồng, thì nay nhà thầu phải nhận 6 triệu đồng/m2, tăng 150%. Giá sắt thép quý II/2022 so với quý I đã tăng 7%" - ông Nguyễn Quốc Hiệp cho hay.

Khó khăn trong việc áp dụng thuế

Một mặt khác, nhiều DN xây dựng đang gặp khó khi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành chi tiết thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 28/1/2022.

Cụ thể, công trình xây dựng được cấu thành từ những sản phẩm/vật liệu đầu vào có thuế suất 8% và các mặt hàng/vật liệu đầu vào có thuế suất 10%. Tuy nhiên, giá trị hợp đồng xây dựng lại không thể tách rời chi tiết các loại thuế suất này. Bởi thuế GTGT khi DN ký kết hợp đồng xây dựng và xuất hóa đơn thanh toán cho chủ đầu tư là cố định.

Ông Nguyễn Huy Quang - chuyên gia xây dựng Công ty TNHH Kiểm toán định giá và Tư vấn tài chính Facom kiến nghị: "Với chính sách, thủ tục thi hành chưa rõ ràng, khiến DN chịu ảnh hưởng rất nhiều trong việc quyết toán hợp đồng dẫn đến chậm giải ngân đầu tư. Trong khi xây dựng, triển khai dự án kéo dài hàng năm nên chưa biết chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục hay dừng lại trong năm tới. Theo tôi, nên giữ nguyên thuế GTGT 10% và một số đầu mục đặc thù sẽ được Nhà nước hỗ trợ với thuế suất 8% như vậy là hợp lý, giúp đỡ rất nhiều cho DN".

Với góc độ của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp bày tỏ, các nhà thầu xây dựng vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những khó khăn của thị trường bất động sản. Theo phản ánh từ các DN, nếu cứ kéo dài tình trạng như hiện nay, 5 năm nữa nhiều nhà thầu không thể tồn tại. Nếu những vấn đề này được xử lý, ngành xây dựng sẽ được cải thiện một cách rõ rệt. Riêng khó khăn về pháp lý, nếu không được tháo gỡ, các dự án đầu tư cũng như kinh doanh sẽ phải tạm dừng. Đây là giai đoạn ngành xây dựng mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện phát triển, giúp cho phục hồi kinh tế sau khi trở lại bình thường mới.

 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có thể đạt tới 310 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỷ USD; cơ khí phục vụ xây dựng, nông nghiệp, chế biến: 15 tỷ USD; thiết bị tiêu chuẩn: 10 tỷ USD; giao thông đường sắt: 35 tỷ USD; tàu điện ngầm: 10 tỷ USD và ô tô: 120 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần