Thông quan “nhỏ giọt”, doanh nghiệp than trời
Lo lắng với chi phí phát sinh do xe container ''chôn chân'' tại bãi chờ xuất hàng sang Trung Quốc, anh Nguyễn Đức Mạnh (Công ty Thương mại và Logistics Tân Đông Nam Á) cho biết, mặc dù tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ thực hiện thủ tục thông quan qua phần mềm cửa khẩu số, nhưng vẫn nhiều lỗi khi đăng ký do đường truyền gián đoạn. Hiện, trung bình mỗi ngày công ty chỉ được thông quan ''nhỏ giọt'' 2 - 3 xe nên chi phí phát sinh (tiền dầu, tiền bến bãi…) đang phải gánh ở mức 1,5 - 2 triệu/xe container.
“Nếu xe hàng tiếp tục nằm chờ, không thể xuất khẩu thì công ty phải bồi thường hợp đồng, mất uy tín với khách. Do đó, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng nên áp dụng khai báo song song cửa khẩu số và phương thức cũ để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa” - anh Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ.
Theo phản ánh của nhiều DN, từ ngày 21/2, tỉnh Lạng Sơn yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, đại lý hải quan, DN xuất nhập khẩu phải sử dụng nền tảng cửa khẩu số, khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh. Tuy nhiên, sau 2 tuần thực hiện đến nay cửa khẩu số vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, nhiều lỗi khi đăng ký, bố cục phần mềm rườm rà… khiến cho cho tốc độ thông quan đã chậm lại càng thêm khó.
Một điều đáng lưu tâm là đến thời điểm này, có 13/78 cửa khẩu hoạt động. Tuy nhiên từ 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn còn các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng. Trong khi đó, với lượng lớn nông sản đang vào chính vụ nhưng tiêu thụ nội địa chưa được nhiều, cơ bản vẫn chuyển lên cửa khẩu nên hiện tượng ùn ứ hàng hóa vẫn tiếp diễn.
Thời gian tới, vào vụ mùa thu hoạch nông sản, đặc biệt là dưa hấu, đây là mặt hàng xuất khẩu rất nhiều ở các cửa khẩu Lạng Sơn. Nếu không đưa ra cảnh báo sớm, tình trạng ùn ứ lên tới gần 5.000 xe hàng như thời điểm cuối năm 2021 có thể lặp lại, gây thiệt hại cho người dân và DN.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà
Theo thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn, đến sáng 8/3, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là gần 1.600 xe, trong đó có gần 1.000 xe chở nông sản. Khoảng thời gian này, Lạng Sơn đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu đến thời điểm 15/3.
Nhận định về tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà dự báo: “Chúng tôi dự kiến từ 15/3 - 20/4, lượng xe hoa quả nông sản qua cửa khẩu Lạng Sơn lên tới 2.000 xe, bởi xung quanh địa bàn cửa khẩu có 500 xe lên và chờ hết thời gian tạm dừng tiếp nhận nông sản để vào các cửa khẩu Lạng Sơn. Lượng xe sẽ vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản đang vào chính vụ” .
Cấp bách xây dựng lộ trình xuất khẩu chính ngạch
Có một thực tế đáng buồn, mặc dù Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn thông tin về Lệnh 248, Lệnh 249 từ phía Trung Quốc nhưng hiệu ứng chưa được đồng bộ, sâu rộng. Đến nay, nhiều DN và người dân trực tiếp sản xuất chưa nắm rõ thông tin về 2 lệnh này một cách đầy đủ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà, các đơn vị chức năng địa phương phản ánh có nhiều trường hợp do chưa cập nhật thông tin về thị trường phía Trung Quốc, nên một số hàng thô phải hạ xuống đóng gói thì mới đủ điều kiện xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới cần thêm các phương pháp phù hợp hơn nữa để có hiệu quả thiết thực, quan trọng là người sản xuất và kinh doanh có thể nắm bắt được thông tin thị trường từ phía nước bạn.
“Từ thực tiễn cho thấy, xuất khẩu tiểu ngạch đang chiếm đến 90%, tỷ lệ chính ngạch chỉ có 10%, DN xuất khẩu chủ yếu tiếp xúc với các đầu mối trung gian nên xuất khẩu phần lớn không có hợp đồng. Do đó, chúng ta cần nhìn vào định hướng phát triển nông nghiệp và định hướng thị trường của Trung Quốc để có lộ trình phù hợp. Từ 90% xuất khẩu tiểu ngạch không thể chuyển ngay thành 100% chính ngạch mà phải có lộ trình, và việc xây dựng lộ trình này là cấp bách” - bà Đoàn Thu Hà đề xuất.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành thông tin thêm, không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua, đến giờ lợi ích đó còn. Tuy nhiên, xuất khẩu tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới mới tính đến bán hàng. Do đó, về lâu dài, DN cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn. Muốn duy trì kim ngạch lớn hơn, cần đẩy mạnh khuyến khích mậu dịch, để hàng nông sản vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, các địa phương khẩn trương thành lập tổ nghiên cứu chính sách, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách để chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với các mặt hàng nông sản hiện đang chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho hay, Bộ đã đề xuất với các tỉnh biên giới xây dựng những khu trung chuyển đa năng để nhà nhập khẩu tuyển chọn, sơ chế, đóng gói hàng hóa, thực hiện các thủ tục hải quan, kiểm dịch sau đó xuất khẩu qua nước bạn nhằm chủ động hơn. Song song với đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT khẩn trương xây dựng dự thảo Đề án xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trong tuần này, Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì họp với các bên liên quan để xây dựng phương án chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch, xây dựng đề án riêng về thị trường Trung Quốc. Từ đó tổ chức sản xuất, tổ chức giao thương hàng hóa, củng cố các liên quan sản xuất xuất khẩu… Đồng thời, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan