Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ hết tư duy “ăn xổi”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có một thời, bóng đá trẻ Việt Nam trở nên méo mó trước vấn nạn gian lận tuổi. Các doanh nghiệp, NHM mất dần lòng tin trước căn bệnh chạy theo thành tích của các trung tâm đào tạo trẻ.

Và, một trong những đòi hỏi bức thiết mà nền bóng đá đặt ra là phải xây dựng cho được một tư duy đào tạo trẻ thật tử tế.

Bùng nổ lò đào tạo trẻ

Sau thời gian dài phải nếm trải trái đắng do lối làm bóng đá chạy theo thành tích, các ông bầu hiểu ra rằng, họ phải làm bóng đá từ gốc. Muốn có thành công trọn vẹn và bền vững, họ phải dồn tiền cho đào tạo trẻ. Bởi lẽ, nguồn tiền của các ông bầu là có hạn nên họ không thể mãi vung tiền vào thị trường chuyển nhượng để săn sao. Nhưng quan trọng hơn, sự cưng chiều của các đội bóng khiến các cầu thủ danh tiếng trở nên ảo tưởng, thổi bùng giá trị thật của mình.

Các đội bóng cũng nhận ra rằng, muốn có được thành tích, chinh phục được lòng người, họ phải thực sự có bản sắc. Nhưng, nghiệt một nỗi, bản sắc không thể hình thành từ đội ngũ cầu thủ được kết hợp vội vàng và khiên cưỡng. Sự ổn định của những đội bóng có hệ thống đào tạo trẻ bài bản như SLNA, Đà Nẵng và phần nào là Thanh Hóa khiến các ông bầu phải thay đổi tư duy làm bóng đá. Họ quyết định làm lại thông qua đầu tư cho bóng đá trẻ. Thế mới có chuyện, bầu Đức phối hợp với Arsenal mở Học viện bóng đá. Viettel xóa sổ liền một lúc hai đội bóng để dồn sức cho bóng đá trẻ. Họ chi hàng chục tỷ đồng cho công tác tuyển chọn và đào tạo hàng năm với hy vọng một ngày không xa sẽ có những cầu thủ thật sự chuyên nghiệp.

Bao giờ hết tư duy “ăn xổi”? - Ảnh 1

U17 SLNA giữ kỷ lục 7 lần vô địch giải U17 quốc gia. Ảnh: Ngọc Anh

Và, phải nhắc đến PVF với tư cách một Trung tâm đào tạo thực sự bài bản và sớm có được quả ngọt từ chiến dịch trồng người. Trong hai năm qua, các đội bóng trẻ của PVF thường xuyên vô địch, hoặc có huy chương ở các giải U11, U13, U15, U17 quốc gia. Người ta thậm chí còn cho rằng, Trung tâm đào tạo này sẽ trở thành mô hình điểm trong làng bóng đá Việt Nam.

Việc các Trung tâm trẻ bùng nổ khiến các lò đào tạo địa phương phải thích nghi và thay đổi để khỏi bị lạc hậu. Đơn giản bởi, các lò đào tạo của Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… đang bị cạnh tranh quyết liệt ngay trên chính mảnh đất quê hương. Họ phải tìm mọi cách để nâng cao chất lượng, chế độ đãi ngộ nếu không muốn bị chảy máu nhân tài.

Nhưng vẫn chạy theo thành tích

Đã có lúc, người ta tin rằng, bóng đá trẻ Việt Nam đang ngày một tử tế. Hay nói cách khác, những mất mát trong quá khứ khiến các Trung tâm đào tạo phải hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn. Thay vì gian lận tuổi, họ sẽ dồn tâm sức vào công tác đào tạo để có thể cho ra lò những sản phẩm tốt. Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tuần, hai đội bóng trẻ của lò PVF bị cáo buộc gian lận tuổi khiến dư luận bắt đầu nghĩ khác. Chưa hết, nhiều đội bóng trẻ khác cũng bị phát hiện là "có vấn đề".Hóa ra, căn bệnh thành tích vẫn tồn tại trong nền bóng đá. Người trong cuộc vẫn không thoát khỏi những toan tính thông thường. Họ vẫn muốn ngay lập tức có được thành tích để báo công với lãnh đạo, nhà tài trợ thay vì chăm chút trên sân tập.

Thế mới biết, vì sao bóng đá Việt Nam từng có rất nhiều cầu thủ trẻ tiềm năng nhưng chờ đợi mãi mà không thấy các ngôi sao xuất hiện. Người ta vẫn phải trông chờ vào những lò đào tạo vốn không có nhiều tiền như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng để cung cấp nhân tài cho các ĐTQG. Còn đâu, sau những khoảnh khắc lóe sáng ở sân chơi trẻ, các ngôi sao nhí bỗng chốc rơi vào bóng tối bởi các em không đá bóng với đúng lứa tuổi của mình.

Thêm một lần nữa dư luận phải gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về tư duy làm bóng đá theo kiểu "ăn xổi" của một số lò đào tạo trẻ. Nếu không chấm dứt được điều này, sự hào phóng, niềm tin của dư luận sẽ chỉ thu được về những quả đắng, hoặc sản phẩm xấu xí trong tương lai.