Vào giữa tháng 3/2024, Bộ TT&TT đã ra “tối hậu thư” tới các nhà mạng di động về việc phải chịu trách nhiệm triển khai, xử lý xong tất cả các SIM tồn kênh chuyển về SIM không có thông tin thuê bao, cả có hoặc không có gói cước.
Bên cạnh đó là đảm bảo SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng.
Ngày 15/4, được xác định là hạn chót để các SIM đang khóa 1 chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về SIM không có thông tin thuê bao. Sau “giờ G” này, các doanh nghiệp viễn thông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được bán ra không đúng quy định.
Trường hợp phát hiện các vi phạm như SIM tồn kênh có sẵn thông tin thuê bao thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của doanh nghiệp vi phạm.
Được biết, trên đây là một trong rất nhiều nỗ lực được Bộ TT&TT cùng các nhà mạng đưa ra trong suốt hơn 1 năm nay nhằm giải quyết vấn nạn SIM rác đang “hành hạ” người dùng thông qua tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo…
Có thể kể đến như khóa thuê bao có thông tin không trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, siết quản lý thuê bao có từ 10 SIM trở lên, dừng cho phép các đại lý cung cấp SIM chưa có thông tin ra thị trường …
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn SIM rác vẫn đang ở mức giảm bớt thay vì được triệt tiêu hoàn toàn. Các cuộc gọi rác, tin nhắn rác lẫn lừa đảo vẫn liên tục tấn công người dùng.
Nếu như trước đây, những tin nhắn rác dạng trên được thực hiện từ SIM rác thì nay kể cả SIM có thông tin thuê bao đầy đủ cũng được sử dụng để tấn công người dùng. Thậm chí tình trạng sử dụng một số điện thoại lạ để “nháy” máy người dùng, khi thực hiện gọi lại thì mới thông báo về các nội dung quảng cáo …
Nói về việc chặn đứng tin nhắn rác sau thời điểm 15/4, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, một nhà mạng cho biết: Chắc chắn SIM rác sẽ bị hạn chế hơn thời gian trước nhưng rất khó để ngăn chặn hoàn toàn.
Đơn cử như mỗi một người dùng có thể đăng ký tối đa 15 đầu số/5 nhà mạng và sử dụng những SIM này để thực hiện tin nhắn rác, nếu nhà mạng chặn SIM thì họ lại hủy và đăng ký SIM mới để thực hiện hành vi trên.
Không những vậy nguồn phát tán tin nhắn rác còn được thực hiện qua các trạm phát sóng BTS giả, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các nhà mạng trong việc thực hiện ngăn chặn.
Thậm chí, trong một cuộc trao đổi với báo chí mới đây về số phận SIM rác sau 15/4, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cũng không đưa ra cam đoan sẽ chấm dứt được vấn nạn này mà chỉ dừng lại ở tình trạng sẽ được cải thiện tốt hơn.
Ông Phúc cũng cho biết thêm, nếu sau ngày 15/4 trên thị trường còn xuất hiện điểm bán SIM rác thì chúng tôi (Bộ TT&TT) sẽ xử lý mạnh tay đối với các nhà mạng.
Như vậy có thể thấy, “cuộc chiến” với SIM rác sẽ còn kéo dài chưa biết hồi kết.