Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di dời nhà máy, trường học khỏi nội đô

Bao giờ quy hoạch đi vào thực tiễn?

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với định hướng là một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, công tác tái thiết, chỉnh trang đô thị luôn được Hà Nội chú trọng phát triển.

Khi Luật Thủ đô được thông qua, với việc tăng phân cấp phân quyền cho Hà Nội, công tác di dời nhà máy, trường học, bệnh viện có thêm điều kiện hoàn thành sớm, nhằm phát triển bền vững, cùng cả nước thực hiện Kỷ nguyên vươn mình.

Nhiệm vụ cấp thiết

Trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô tăng thêm khoảng 160.000 người tương đương một huyện. Gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, văn minh đô thị. Chính vì vậy, việc tái cân bằng đô thị thông qua hoạt động di dời nhà máy, trường đại học… ra ngoài vùng ven Thủ đô được xem là giải pháp cấp thiết.

Theo các chuyên gia, hệ thống công sở của các bộ ngành, T.Ư trên địa bàn Thủ đô hiện nay phần lớn được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Vì vậy, hầu hết có vị trí nằm trong các quận nội thành. Bên cạnh yếu tố thuận tiện trong giao dịch công tác, phối hợp giữa các cơ quan, việc hệ thống trụ sở cơ quan nằm xen lẫn trong khu dân cư mật độ cao đã gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và thiếu các dịch vụ đô thị đi kèm.

Nhà máy Bia Hà Nội tại số 183 phố Hoàng Hoa Thám, 1 trong 9 cơ sở phải di dời. Ảnh: Tuấn Anh
Nhà máy Bia Hà Nội tại số 183 phố Hoàng Hoa Thám, 1 trong 9 cơ sở phải di dời. Ảnh: Tuấn Anh

Đối với các trường học, có tới 1/3 tổng số trường đại học và cao đẳng và 40% tổng số sinh viên cả nước đang ở Hà Nội. Tuy nhiên, mạng lưới trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo; một lượng lớn sinh viên tập trung tại nội thành; mô hình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Như Đại học Bách khoa Hà Nội có diện tích 34ha, theo quy hoạch cũ đáp ứng quy mô 2.000 sinh viên vào những năm 60 của thế kỷ XX. Đến nay diện tích đất còn không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã gấp 10 lần.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính: “Việc di dời nhà máy, cơ sở y tế, trường học ra khỏi trung tâm Thủ đô có ý nghĩa lớn trong quy hoạch đô thị của Hà Nội. Khi các cơ sở di dời ra ngoại thành, nơi còn quỹ đất rộng, TP sẽ có những khu vực nhà máy được xây dựng mới, trường học hiện đại không chỉ cho trước mắt mà cả tương lai lâu dài. Trong khi đó, khu vực đất sau khi di dời, TP có thể phát triển không gian cây xanh, công viên, xây dựng công trình hạ tầng đô thị… làm giảm áp lực về giao thông, dân cư”.

Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó đề cập việc phân bố và sắp xếp lại hệ thống trường đại học, cao đẳng tại khu vực nội đô. Mục tiêu được đề ra là giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành. Quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng phục vụ đô thị. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có lác đác vài cơ sở giáo dục được di dời. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân của việc chậm chễ này là do một số cơ quan chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, chậm xây dựng đề án di dời. Nguyên nhân thứ 2 là do, nguồn ngân sách bố trí di dời và đầu tư hạ tầng, xây dựng trụ sở mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có phương án huy động nguồn lực ngoài ngân sách.

Gắn với thực tiễn

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế chia sẻ, để di dời được trường học, bệnh viện, nhà máy ra khỏi nội đô cần nhiều điều kiện. Ví như các trường đại học, cao đẳng, ngoài khuôn viên riêng của trường còn đòi hỏi nhiều dịch vụ đi theo từ bể bơi, sân vận động cho đến khu vui chơi giải trí… để đáp ứng yêu cầu của sinh viên khi kết thúc giờ học tập. Hay ở khu công nghiệp, nhà máy, đòi phải được thiết kế có khu xử lý chất thải nước, chất thải rắn, khí… với chi phí rất lớn. Các yếu tố đó là bài toán khó cho nhiều cơ sở khi di dời. Hơn nữa, khu vực xây dựng phải đòi hỏi được thiết kế trở thành khu mới, văn minh, hiện đại; đây là bài toán đòi hỏi TP Hà Nội phải có cơ chế ưu tiên, tập trung phát triển từng khu đô thị vệ tinh văn minh, hiện đại có kết nối tốt với khu vực trung tâm và khu vực xung quanh.

Theo PGS. TS Nguyễn Hiệu - Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội: “Đầu tư về ngân sách và giải phóng mặt bằng rất khó khăn nên việc xây dựng các cơ sở mới phục vụ di dời diễn ra chậm. Đại học quốc gia có 23 dự án thành phần nhưng đến nay chưa có dự án nào thành công”.

Xuất phát từ những rào cản trên, để công tác di dời theo định hướng quy hoạch được thực thi, rất cần có những giải pháp gắn liền thực tiễn. Đơn cử công nhân, bác sĩ, giáo viên, học sinh, sinh viên đều cần đi lại nên giao thông cần thuận lợi. Hà Nội đã nhìn thấy từ trước và trong quy hoạch đã có tính toán.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, tại Xuân Mai, Hòa Lạc, Sơn Tây và các địa phương trong vùng Thủ đô, ngoài hệ thống giao thông chính, hệ thống phương tiện công cộng như BRT, đường sắt đô thị đã được quy hoạch, tính toán đến việc kết nối giữa các khu đại học, bệnh viện, nhà máy đến trung tâm TP. Tuy nhiên thời gian tới, chúng ta phải giải quyết được hệ thống hạ tầng bên trong - kết nối cây xanh, mặt nước, tiện nghi (sân bóng, bể bơi, công viên). Làm tốt, TP Hà Nội sẽ giãn dân cư ra khỏi nội đô, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực, các giải pháp TP Hà Nội đưa ra, đặc biệt với việc tăng phân cấp, phần quyền cho TP Hà Nội cũng như điểm mới về chỉnh trang tái thiết đô thị của Luật Thủ đô năm 2024, người dân có cơ sở đặt niềm tin về sự thay đổi của bộ mặt đô thị Hà Nội, hơn cả là sự kỳ vọng giải quyết nhu cầu cấp bách về chỗ ở, không gian công cộng của người dân trong quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, trong Điều 18 Luật Thủ đô đề cập rất rõ về việc di chuyển nhà máy, cơ sở y tế, trường học ra khỏi nội đô. Luật nói rõ ai tổ chức, chỉ đạo thực hiện. Luật đã nói rõ những điểm Hà Nội có thể chủ động làm. Đây là cơ hội tốt để lãnh đạo, người dân, cả nước hướng về Hà Nội. Tôi nghĩ trước mắt phải làm kỹ việc di dời nhà máy, cơ sở y tế, trường học và cơ quan mà nằm trong diện quy hoạch.

“Chúng ta có cơ chế chính sách, có Luật Thủ đô, đó là cơ hội để TP đầu tư, mạnh dạn giải phóng mặt bằng, thậm chí xây cơ sở mới để mời các trường học, bệnh viện, DN di dời đến, cần chủ động trong mọi tình huống” - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

 

Với các trường đại học lâu năm, chúng ta phải giữ lại một phần để có “trí nhớ đô thị”, hình ảnh cũ của trường đó. Nơi đó có thể là cơ sở nghiên cứu sau đại học, được đầu tư cao hơn. Phần còn lại giao cho Hà Nội để giải quyết những hạ tầng còn thiếu như nơi gửi xe, cây xanh, công trình dịch vụ phục vụ người dân. Còn cơ sở khác vẫn di dời theo quy hoạch để trong tương lai, chúng ta có những trường đại học hiện đại.

Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính