Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bao giờ thị trường bất động sản tăng trưởng trở lại?

Ngô Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh nhận định, thị trường Bất động sản (BĐS) đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, có thể quý I/2023 đã là “vùng đáy”. Theo phân tích, dự báo từ nửa cuối năm 2024 thì thị trường BĐS mới xuất hiện triển vọng phục hồi,...

Tiếp tục bị “lệch pha cung - cầu”

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, nhìn tổng thể, thị trường BĐS hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rất rõ nét tại thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh.

Dữ liệu cho thấy, tại quý 1/2023 tăng trưởng âm -16,2%; đến 6 tháng đầu năm 2023 vẫn tăng trưởng âm -11,58% nhưng đã giảm 4,62% so với quý I/2023; đến cuối quý 3/2023 tuy vẫn còn tăng trưởng âm -8,71% nhưng đã giảm thêm 2,87% so với 6 tháng đầu năm và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường BĐS đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.

Mặc dù thị trường bất động sản còn rất khó khăn nhưng vẫn có triển vọng phục hồi trở lại. Ảnh minh họa: Khánh Huy
Mặc dù thị trường bất động sản còn rất khó khăn nhưng vẫn có triển vọng phục hồi trở lại. Ảnh minh họa: Khánh Huy

Theo nguồn tin tổng hợp từ Bộ Xây dựng thì trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng giao dịch BĐS giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Đến cuối tháng 9/2023, hàng tồn kho BĐS rất lớn, có tổng giá trị lên đến 301.600 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ, cần phải có giải pháp để tháo gỡ, đưa lượng hàng tồn kho rất lớn này trở lại thị trường BĐS để vừa tạo dòng tiền, tạo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường BĐS cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tiếp tục bị “lệch pha cung - cầu”, thiếu nguồn cung dự án dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là thiếu nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Triển vọng phục hồi và tăng trưởng trở lại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, mặc dù thị trường BĐS vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ, để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do các động lực.

Đầu tiên, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai và các luật có liên quan bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang nỗ lực tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường BĐS.

Tiếp theo, Quốc hội đang xem xét các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), mà nếu các luật này được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế.

Thêm vào đó, đi đôi với nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi ngay một số quy định bất cập của các văn bản dưới luật (và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thực hiện các luật dự kiến sắp được ban hành) và tiếp tục phát huy hơn nữa hoạt động của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND cấp tỉnh sẽ phát huy được nguồn lực đất đai, tạo điều kiện để tiếp cận thuận lợi thị trường vốn, tín dụng và tháo gỡ được các “vướng mắc pháp lý” cho khoảng 1.000 dự án BĐS trong cả nước.

Hơn nữa, với nỗ lực và trách nhiệm của tất cả các DN BĐS kéo giảm giá nhà về mức hợp lý thì thị trường BĐS có triển vọng phục hồi, tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2024 trở đi.

Một động lực khác là tổng cầu nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của xã hội vẫn rất lớn, nhất là nhu cầu loại nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp trong xã hội rất lớn. Tầng lớp trung lưu vẫn đang tiếp tục xu thế tăng trưởng vững chắc, mặc dù hiện nay thu nhập của các tầng lớp dân cư nhìn chung đang bị sụt giảm.

Theo Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, thị trường BĐS hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng nổi lên một số vướng mắc chủ yếu như: Vướng thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với tất cả dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã “có quyền sử dụng đất” phù hợp với quy hoạch do quy định của Nghị định 31/2021/NĐ-CP về việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch.

Vướng quy định về “đất ở” hoặc “đất ở và đất khác”. Vướng do Luật Kinh doanh BĐS không quy định điều chỉnh hành vi “đặt cọc” để giao kết hợp đồng. Vướng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm ban hành quy định xử lý phần diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại…