Việc Bộ TT&TT trong tháng 4 và 5 vừa quá đã tổ chức 3 lần đấu giá băng tần 4G và 5G là A1 (2.300 - 2.330 MHz), A2 (2.330 - 2.360 MHz), A3 (2.360 - 2.390 MHz), với giá khởi điểm cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng không thành công đã khiến cho thời điểm thương mại hóa công nghệ 5G bị trễ hẹn.
Lỗi hẹn lần đầu đấu giá
Không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ đấu giá với phí tần số khởi điểm 386 tỷ đồng/năm, thời hạn sử dụng 15 năm. Đơn giản là công nghệ 4G vẫn tiếp tục mở rộng vùng phủ, đáp ứng tốt khách hàng và giá thiết bị 4G rẻ, trong khi 5G là công nghệ thời tương lai chi phí đầu tư đắt, lên tới tới hàng tỷ USD.
Sau dịch Covid-19, thị trường viễn thông Việt Nam đang bão hòa, doanh thu từ dịch vụ thoại, SMS suy giảm mạnh, data giá ngày càng rẻ nên không doanh nghiệp nào dám mạo hiểm.
Tính đến đầu năm 2023, đã có 247 nhà mạng tại 97 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 5G. Hiện cũng đã có khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư các bước cuối cùng để sớm cung cấp 5G đến người dùng. Nhưng tại sao việc đấu giá tại Việt Nam lại không thành?
50% chi phí triển khai 5G phần nhiều thuộc về các nhà phát triển ứng dụng nên theo Luật Viễn thông, Bộ TT&TT đã tiến hành đấu giá băng tần để minh bạch hóa việc cấp phép. Nhưng cách tính giá băng tần cho lần đấu giá đầu tiên đã không hấp dẫn các doanh nghiệp. Trên thế giới hiện cũng có nhiều cách tính giá băng tần khác nhau nhưng Việt Nam phải tham khảo các quốc gia có điều kiện tương tự về kinh tế xã hội để áp dụng.
PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng mục tiêu của đấu giá không phải để thu được nhiều tiền của nhà mạng, mà mục tiêu cao hơn là làm sao để triển khai 5G thành công. Bộ TT&TT phải tính toán để có băng tần phù hợp với hệ sinh thái thiết bị, giá cả hợp lý để nhà mạng triển khai thành công. Nói đến 5G không chỉ là smartphone, mà là cả hệ sinh thái đi kèm. Vì thế, Việt Nam phải có chính sách hỗ trợ startup để nghiên cứu phát triển các ứng dụng cho 5G và cho các ngành công nghiệp khác.
Không đơn thuần là phủ sóng
“Triển khai 5G không chỉ là câu chuyện phủ sóng, mà các nhà mạng còn phải quan tâm đến hoàn vốn, sinh lời trên hạ tầng đó. Vấn đề lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là thị trường, người dùng và dịch vụ”, ông Hoàng Ngọc Thức, CTO Nokia Việt Nam khẳng định.
Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết đơn vị này đang xây dựng chiến lược hướng tới khách hàng doanh nghiệp, tập trung vào thị trường ngách trước khi tiến tới thị trường đại chúng. Các nhà đầu tư khi đấu giá băng tần, phải xây dựng phương án đầu tư kỹ lưỡng, hạn chế chi phí hạ tầng cao bởi đôi khi đi trước lại phải gánh chịu rủi ro.
Theo các chuyên gia quản lý, có 3 yếu tố then chốt quyết định đến thời điểm thương mại hóa 5G: Thứ nhất là giá các thiết bị đầu cuối phù hợp với thu nhập của người dân; Thứ hai là tìm ra được các sản phẩm, dịch vụ giá tốt, phù hợp với người tiêu dùng; Thứ ba là tiềm năng của 5G có được tận dụng hết để mang lại giá trị mới cho kinh tế - xã hội, cộng đồng hay không.
Lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi trước đó đấu giá tần số 5G thành công. Theo tính toán của Bộ TT&TT, hiện tại là thời điểm chín muồi để các nhà mạng Việt Nam đấu giá triển khai 5G, nhất là khi mà các thiết bị đầu cuối đã trở nên rẻ hơn nhiều so với 2-3 năm trước đây.
Vì thế mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giao nhiệm vụ: “Việc đấu giá tần số 4G/5G thành công trong năm nay đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Cục Tần số vô tuyến điện”.
Nếu mọi việc suôn sẻ thì Việt Nam chúng ta sẽ chính thức thương mại hóa 5G trên cả nước vào cuối năm 2024. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tận dụng công nghệ non-standalone, tức là công nghệ 5G xây dựng trên nền công nghệ 4G thực hiện đầu tư từng bước và tăng dần, chứ không đầu tư lớn, đồng bộ như nhiều quốc gia khác.