Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạo hành trẻ em: Sao cứ mãi xảy ra?

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc mẹ đẻ và cậu ruột bạo hành, chăn dắt chính con ruột, cháu ruột mình hành nghề ăn xin khi tuổi đời còn rất nhỏ, thậm chí cậu ruột còn quan hệ loạn luân với hai cháu ruột gây nên những tội ác tột cùng, đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Cùng với sự đau xót và yêu cầu xử thật nghiêm những kẻ vô đạo đức này, một lần nữa, câu hỏi tại sao việc bạo hành trẻ em diễn ra trong một thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện, không được ngăn chặn kịp thời lại đặt ra.

 Chân dung mẹ đẻ và cậu ruột bạo hành chính con ruột, cháu ruột mình

Sau khi vụ việc được phát hiện, cơ quan công an vào cuộc, chắc chắn rằng, những hành vi không còn tính người của người mẹ, người cậu này bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; những em bé trong vụ việc này cũng sẽ thoát khỏi sự bạo hành về thể xác. Tuy nhiên, điều dư luận băn khoăn là hậu quả tâm lý của vụ việc trên đối với các em sẽ còn kéo dài, sự ám ảnh sẽ khó có thể nguôi ngoai. Từ vụ việc không thể tưởng tượng được này, chúng ta lại nghĩ về không ít những vụ việc đã từng làm dư luận đau xót. Như vụ việc những đưa trẻ bị chính người thân của mình bạo hành đến mức gãy xương sườn, rạn sọ não; bị tra tấn bằng cách đánh lõm đầu, dí thanh sắt nung đỏ vào má, vào tay khiến cháy da, sém thịt…

Hiện nay, công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được chính quyền, các hội, nhóm, đoàn thể và trường học tích cực tuyên truyền, vào cuộc, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Những vụ việc như trên vẫn cứ xảy ra, gây nhức nhối toàn xã hội. Biện pháp nào chặn đứng vấn nạn nhức nhối này, để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ liên tục được đặt ra. Điều đáng nói hơn, rõ ràng trẻ nhỏ cần được cảm thấy an toàn trong gia đình, nhưng một số gia đình lại là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ. Như con số đã được chính cơ quan chức năng đưa ra trên diễn đàn Quốc hội, có đến hơn 65% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em xảy ra do chính người thân.

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra biện minh, từ trình độ văn hóa thấp, cái nghèo, không hiểu biết về pháp luật… nhưng ở đây phải nói đến nguyên nhân còn bởi chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội thiếu sâu sát nên đã để xảy ra nhiều vụ xâm hại, bạo hành trẻ em gây hậu quả rất thương tâm. Cũng theo thống kê, có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ, nên có lúc dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” và cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc đã được phát hiện, đã làm xôn xao dư luận.

Thiết nghĩ, để không còn những câu chuyện đau lòng xảy ra với trẻ em như câu chuyện trên, vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, của các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đặt lên hàng đầu. Sự sâu sát cơ sở, nắm bắt đời sống người dân, sẽ ít nhiều có sự vào cuộc kịp thời, ngăn chặn sớm. Cùng với đó, cần tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ thông qua các kênh thông tin để thúc đẩy cộng đồng và các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cùng vào cuộc hành động một cách mạnh mẽ và thực chất hơn. Đồng thời, thay đổi cách thức tuyên truyền, để chính trẻ có nhận thức là mình có quyền được bảo vệ khỏi nạn bạo hành bất kể dưới hình thức, mức độ nào và bất cứ ai.