Bảo hiểm thất nghiệp – “Bà đỡ” cho lao động mất việc làm

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, bảo hiểm thất nghiệp đã “trợ lực” cho không ít lao động, đặc biệt là giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

“Phao cứu sinh” của người lao động mất việc
Một tháng nay, anh N.T.D. (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) là lái xe cho doanh nghiệp dăm gỗ ở Khu kinh tế Dung Quất đã nghỉ việc do ảnh hưởng dịch Covid-19. “Trong thời điểm bây giờ, nghề lái xe không còn phù hợp nữa nên tôi nghỉ việc. Hôm nay đi làm hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong lúc kiếm công việc mới thì có ít tiền hỗ trợ cũng sẽ đỡ khó khăn hơn”, anh cho biết.
 Người lao động khai báo và làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo anh D., việc khai báo, nộp hồ sơ khá nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ các biện pháp chống dịch. Sau khi nộp hồ sơ xong, anh còn được tư vấn, hướng dẫn đăng ký tìm việc làm tại một công ty khác.
Chị L.D.M. (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tháng thứ 5. Đây là tháng cuối cùng chị được nhận bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. “Trước tôi làm kế toán, thời điểm dịch bùng phát cũng là lúc công ty kết thúc dự án nên tôi thất nghiệp. Giờ vừa sinh con nhỏ nên cùng lúc được hưởng cả chế độ thai sản và trợ cấp thất nghiệp”, chị M nói.
Chị M. đã nộp hồ sơ xin việc vài nơi nhưng vì đang có dịch Covid-19 nên chưa có nơi tuyển dụng: “Trợ cấp thất nghiệp nhận được hơn 10 triệu đồng/ tháng, trong thời điểm như hiện nay thì số tiền này thực sự đã giúp gia đình có thêm chỗ dựa, chi phí nuôi con nhỏ cũng vì thế không quá eo hẹp”, chị M. chia sẻ thêm.
Dịch bệnh ngày càng căng thẳng và phức tạp, số lượng lao động quan tâm đến bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng. Bởi trong thời gian người lao động chưa kiếm được việc làm, các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp sẽ hỗ trợ một phần thu nhập, tạo cơ hội cho người lao động học nghề và tìm kiếm công việc mới.
Tạo điều kiện tối đa cho người lao động
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Quảng Ngãi trong 7 tháng đầu năm 2021, đơn vị này đã tổ chức tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 3.762 người, trong đó có 3.696 người được giải quyết với tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp hơn 56 tỷ đồng.
 Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi.
Số hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp tuy nhiều nhưng lại giảm nhẹ so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 7/2021, lượng hồ sơ giảm đến 30% so với tháng trước đó. Người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu từ 25-40 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán hàng, xây dựng, bán buôn, bán lẻ. Hiện người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có 2 nhóm là tự nghỉ việc và công ty, doanh nghiệp cho nghỉ việc.
“Có thể do tuân thủ các quy định giãn cách xã hội nên người dân chưa đến nộp hồ sơ. Thêm vào đó, do nhiều tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 nên nhiều lao động của Quảng Ngãi dù mất việc làm nhưng không thể về quê để làm hồ sơ”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Quảng Ngãi Đỗ Tiến Tân cho biết.
Theo ông Tân, hiện dịch bệnh ở Quảng Ngãi cũng diễn biến phức tạp, áp dụng các quy định hạn chế tập trung đông người. Để giải quyết nhanh gọn thủ tục cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19, đơn vị đã tăng cường giải quyết hồ sơ thủ tục trực tuyến hoặc thông qua bưu điện, tạo điều kiện tối đa để những người đang thất nghiệp được nhận hỗ trợ sớm nhất.
Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Số lao động có việc làm giảm, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao nhưng công tác giới thiệu việc làm mới cho lao động gặp khó khăn.
Thời gian qua, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Quảng Ngãi theo kế hoạch không đạt kết quả cao hoặc bị hủy bỏ vì phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch, không tập trung đông người. Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tổ chức được 5/14 phiên giao dịch việc làm, huy động được 65 doanh nghiệp tham gia và tuyển dụng gần 1.500 người.
“Thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như nhiều lao động muốn tìm việc làm. Trong điều kiện không tổ chức được các sàn giao dịch việc làm như cách làm truyền thống, Trung tâm đang kiến nghị đầu tư nâng cấp hệ thống trang thiết bị đồng bộ nhằm phục vụ công tác thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu “người tìm việc, việc tìm người”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và thống nhất cơ sở dữ liệu về quản lý lao động để thực hiện chia sẻ, kết nối thông tin, phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc và lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các địa phương”, ông Đỗ Tiến Tân cho biết.