Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo hiểm xã hội đẩy mạnh giao dịch điện tử

Nguyên Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với các chính sách hỗ trợ DN và người lao động, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho các bên tham gia bảo hiểm.

Làm thủ tục hành chính tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Hơn 90% đơn vị tham gia BHXH qua giao dịch điện tử
Thời gian qua, thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng được cải tiến, rút gọn. Từ 263 thủ tục vào năm 2012 được giảm xuống còn 27 thủ tục vào năm 2019. Có trên 90% đơn vị, DN thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet. Thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các DN, cá nhân tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm. Số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm.
Công tác ứng dụng CNTT cũng được BHXH Việt Nam đẩy mạnh triển khai từ năm 2015. Ðến nay, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành, hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT. Hiện có 18 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4.
Ứng phó với dịch Covid-19 vừa qua, ngành BHXH đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt trong lĩnh vực khám chữa bệnh, BHYT; hỗ trợ người dân, người lao động, DN trong khai báo y tế điện tử, đóng nộp BHXH, BHYT… Theo BHXH Việt Nam, giao dịch điện tử không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, tổ chức, DN. Nhiều trường hợp, thẻ BHYT bị nhầm lẫn, người tham gia chỉ cần thực hiện gửi thông tin qua giao dịch điện tử, cán bộ BHXH sẽ tiếp nhận, xử lý, giải quyết rất nhanh gọn. Vì vậy, các thủ tục được đơn giản hóa, DN không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH...
Chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả công việc
Hơn 2 năm nay, song song với việc lưu trữ hồ sơ giấy của hàng triệu người thụ hưởng BHXH trên cả nước, Trung tâm lưu trữ BHXH có thêm kho lưu trữ hồ sơ điện tử. Nhờ vậy, BHXH 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, BHXH cấp huyện được khai thác, sử dụng. Đáng chú ý, đến nay tất cả dữ liệu nghiệp vụ của ngành bảo hiểm đều được liên thông, kết nối và đồng bộ bảo đảm việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên các phần mềm CNTT. Nhờ đó, không chỉ thời gian tra cứu thông tin mà thời gian đóng nộp BHXH cho các DN cũng được rút gắn.
Theo thống kê, tổng số đơn vị sử dụng lao động tham gia BHXH thực hiện giao dịch điện tử là trên 337.000 đơn vị, chiếm trên 50% tổng số đơn vị sử dụng lao động. Mục tiêu đến năm 2025, 100% hồ sơ, tài liệu của ngành sẽ được số hóa.
Đồng bộ công tác ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ thời gian qua thực sự đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và DN. Trong ba năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ TT&TT đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và xếp hạng hai trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành có dịch vụ công.