BHXH TP Hà Nội hiện đang quản lý trên 83.000 đơn vị, DN với 1.693.129 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 29.336 người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,2%.
BHXH TP đảm bảo chi trả chi lương hưu, trợ cấp hàng tháng tới trên 560.000 nggười với số tiền chi trả trung bình trên 2.550 tỷ đồng/tháng; ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 195 cơ sở y tế.
Vượt qua nhiều khó khăn, áp lực, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) luôn được BHXH TP Hà Nội chú trọng chỉ đạo thực hiện trong các năm gần đây, đem lại hiệu quả thiết thực tới người dân, DN trên địa bàn. Cụ thể, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT được triển khai đa dạng ở nhiều khâu, mảng nghiệp vụ khác nhau.
Tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử
Hiện 100% thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN đều đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống một cửa điện tử của BHXH TP và 30 quận, huyện trực thuộc. Ứng dụng CNTT đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hồ sơ từ 3 nguồn đầu vào: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa, nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử, nộp hồ sơ qua hệ thống bưu điện.
Từ năm 2012, BHXH được UBND TP đầu tư hệ thống CNTT, xây dựng phần mềm “một cửa điện tử”, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc giải quyết các hồ sơ về BHXH, BHYT, giảm thiểu được tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm, không còn tình trạng thất lạc; xác định rõ trách nhiệm của từng công chức, viên chức trong từng khâu nghiệp vụ.
Triển khai giao dịch điện tử
Là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình giao dịch điện tử trong hệ thống BHXH Việt Nam, BHXH TP Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử với 13 thủ tục hành chính, tập trung trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN và lĩnh vực cấp sổ BHXH, thẻ BHYT. Từ việc thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đã tiết giảm được chi phí hành chính cho các đơn vị sử dụng lao động như chi phí đi lại để nộp và nhận hồ sơ, chi phí giấy tờ... và cũng tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức cơ quan BHXH tập trung vào công tác chuyên môn giải quyết các thủ tục hành chính nhanh hơn.
Trả kết quả bằng dịch vụ bưu chính
Từ năm 2016, BHXH TP phối hợp với Bưu điện Hà Nội triển khai thực hiện việc tiếp nhận và kết quả thủ tục hành chính qua hệ thống bưu chính; xây dựng kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “một cửa điện tử” của BHXH TP. Các đơn vị sử dụng lao động chỉ cần chuyển và nhận kết quả hồ sơ có thể lựa chọn các hình thức: Gọi điện thoại, khai báo qua website của bưu điện Hà Nội.
Sau tiếp nhận, toàn bộ thông tin tiếp nhận, biên bản giao nhận, được chuyển đến bộ phận “một cửa” của BHXH quận, huyện, thị xã theo địa giới hành chính để giải quyết. Năm 2019, mô hình kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý bưu phẩm của Bưu điện với hệ thống tiếp nhận và trả kết quả “một cửa điện tử” của BHXH TP, đã được BHXH Việt Nam triển khai trong toàn quốc.
Triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử
Với vai trò là đơn vị được BHXH Việt Nam giao thực hiện thí điểm và hoàn thiện hệ thống phần mềm tiếp nhận và giám định BHYT trước khi triển khai toàn quốc, đến nay tại Hà Nội, 100% cơ sở, tương ứng 695 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn TP thực hiện kết nối và chuyển số liệu thanh toán viện phí BHYT hàng ngày lên cổng tiếp nhận của hệ thống thông tin giám định BHYT. Bảo đảm việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT nhanh gọn, chính xác. Thống kê, kiểm soát được các trường hợp như: Bệnh nhân khám nhiều lần trong ngày, chi phí cao, chụp nhiều XQ, CT, sử dụng thuốc và vật tư y tế…
Thí điểm việc kết nối thành công với ngân hàng việc thu, đóng tiền BHXH, BHYT: Năm 2018, BHXH TP cùng với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Hà Nội thực hiện xây dựng cổng kết nối thanh toán giữa hệ thống tài khoản ngân hàng của Văn phòng BHXH TP Hà Nội mở tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Hà Nội với hệ thống thanh toán của BHXH TP.
Khi DN, đơn vị, cơ quan, tổ chức đóng tiền thu BHXH, BHYT, BHTN qua ngân hàng, đồng thời được cập nhật vào hệ thống thanh toán của cơ quan BHXH. Việc triển khai kết nối đã giúp rút ngắn thời gian, tiết kiệm nhân lực, phục vụ kịp thời cho công tác tổng hợp số liệu thu, nợ BHXH, BHYT, BHTN và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng lao động trong việc đóng, nộp tiền tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động thông qua hệ thống các ngân hàng.
Trên cơ sở kết quả triển khai tại Hà Nội, năm 2019, BHXH Việt Nam đang chỉ đạo triển khai trong toàn quốc cổng thanh toán với hệ thống Ngân hàng thương mại: Agribank, Vietcombank, Vietinbank. BIDV, Liên Việt Post Bank, MB Bank...
Ứng dụng CNTT trong kiểm soát thanh toán ốm đau, thai sản bằng việc triển khai kết nối giữa phần mềm xét duyệt các chế độ ngắn hạn với hệ thống quản lý thu TST và hệ thống thông tin giám định để kiểm soát bệnh nhân được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, xác định bệnh nhân có đi khám, chữa bệnh không? Sinh con không? Có được cấp thẻ BHYT trẻ em dưới 6 tuổi không? Qua đó, kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản.
Liên thông thủ tục cấp giấy khai sinh, thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi
Đến nay BHXH TP đã thực hiện thủ tục liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại BHXH của 30 quận, huyện, thị xã bằng hình thức giao dịch hồ sơ điện tử và chuyển kết quả qua dịch vụ bưu chính. Rút ngắn thời gian cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 7 ngày theo quy định xuống còn dưới 2 ngày đối với địa bàn quận và dưới 3 ngày đối với địa bàn huyện. Đến nay, duy nhất Hà Nội thực hiện được thủ tục hành chính liên thông theo Thông tư 05.
Với các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính nói trên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của BHXH TP Hà Nội từng bước tăng lên qua các năm; từ 90,61% năm 2016, đến tháng 7/2016 là 97,47%. Kết quả chỉ số mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống BHXH TP (SIPAS) được cải thiện, tăng lên: chỉ số SIPAS năm 2017 đạt 86,71%; chỉ số SIPAS năm 2018 đạt 90,12% (mức chung của TP. Hà Nội là khoảng 83%).