Hết cảnh chờ đợiTrụ sở BHXH quận Hoàn Kiếm tại số 9D phố Hàm Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khá chật hẹp. Cách đây vài năm, khi đến làm việc tại đây, chúng tôi phải rất vất vả mới len qua được những hàng xe máy đỗ kín trước cổng. Nhưng nay, trước cửa trụ sở BHXH quận đã thông thoáng hơn, do lượng người dân phải trực tiếp đến giao dịch đã giảm đi rõ rệt. Giờ đây, trên 90% số đơn vị sử dụng lao động đã thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, 100% việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính qua bưu điện. Phó Giám đốc BHXH Hoàn Kiếm Phạm Hồng Thanh chia sẻ, cách đây vài năm, bộ phận một cửa của đơn vị luôn trong tình trạng quá tải, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 lượt người đến giao dịch. Nhờ CCHC, ứng dụng CNTT, từ năm 2016, BHXH quận đã tập trung mọi nguồn lực triển khai giao dịch điện tử bằng chữ ký số với các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Lượng người đến giao dịch trực tiếp hàng ngày giảm đi 3 lần.
Mục tiêu trọng tâm toàn ngành BHXH Việt Nam là đẩy mạnh CCHC, cốt yếu là ứng dụng CNTT, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. BHXH Hà Nội đã đi đầu trong cả nước trong nhiều lĩnh vực, như triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT, vận hành hiệu quả các phần mềm quản lý hoạt động nghiệp vụ, hệ thống giao dịch điện tử nhằm xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp. Hy vọng thời gian tới, BHXH Hà Nội sẽ tiếp tục xác định việc ứng dụng CNTT và CCHC là đòn bẩy để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh |
Nhìn về tương laiNhờ đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của BHXH TP đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 11/2018, BHXH TP đã cấp được 100% mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT; hoàn thành 99,86% việc cập nhật dữ liệu quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN của người lao động vào hệ thống phần mềm quản lý của ngành BHXH để bàn giao sổ BHXH đến người lao động nhằm tiến tới đến năm 2020 cấp xong thẻ BHXH, BHYT điện tử cho người tham gia BHXH, BHYT.Đồng thời việc áp dụng giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT trên hệ thống thông tin giám định BHYT đã góp phần giúp cơ quan BHXH quản lý Quỹ BHYT, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, kiểm soát chi phí của từng lượt khám, lượt điều trị và và đưa ra cảnh báo, giảm thanh toán các chi phí chưa hợp lý nhằm đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho người tham gia. Tính đến nay trên địa bàn TP đã có hơn 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền chi KCB BHYT là 14.799 tỷ đồng, trong đó có 10 bệnh nhân có chi phí cao nhất được quỹ chi trả hơn 17 tỷ đồng.Trong thời gian tới, BHXH TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện tốt đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đào tạo cán bộ, nhất là ứng dụng CNTT để phục vụ công tác cải cách TTHC. Đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để người dân, DN có thể giải quyết thủ tục hành chính, kê khai thu nộp BHXH, BHYT, BHTN qua hình thức giao dịch điện tử, mà không cần gặp trực tiếp cán bộ BHXH. Đối với những khâu, những lĩnh vực chưa cải cách được, thì phải lựa chọn, đào tạo bài bản đối với cán bộ trực tiếp giao dịch với người dân và đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính, bởi chỉ cần một vài trường hợp không tốt sẽ khiến cho uy tín, hình ảnh chung của BHXH TP nói riêng cũng như của toàn TP bị ảnh hưởng.