Bảo hiểm xe cơ giới: Sao người dân không mặn mà?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe cơ giới bị bắt buộc mua bảo hiểm, trong khi tỷ lệ chi trả rất thấp khiến dư luận phản ứng mạnh, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ loại bảo hiểm bắt buộc này, thay bằng bảo hiểm tự nguyện vì tỷ lệ chi trả quá thấp.

Tỷ lệ mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện mô tô, xe máy vẫn còn thấp. Ảnh: Thanh Hải
Tỷ lệ mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện mô tô, xe máy vẫn còn thấp. Ảnh: Thanh Hải

Bảo hiểm thu lớn, chi nhỏ, ý nghĩa chưa đạt

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trả lời chính thức trước kiến nghị của nhiều cử tri về việc xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy được căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ. Trên thực tiễn, số vụ tai nạn giao thông do mô tô 2 bánh, xe gắn máy, xe máy chiếm tỷ lệ khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Hậu quả tai nạn giao thông đã gây ra thiệt hại không chỉ đối với nạn nhân (về sức khoẻ, tính mạng, tài sản) mà còn đối với cả chủ xe (chi trả bồi thường, thiệt hại về gián đoạn kinh doanh, chi phí pháp lý), gây ảnh hưởng chung đến toàn xã hội. Do đó, mục đích sử dụng của bảo hiểm xe máy bắt buộc là bồi thường cho nạn nhân bị gây ra tai nạn bởi xe đã mua bảo hiểm.

Ý nghĩa của bảo hiểm này rất tốt, tuy nhiên, theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến 30/6/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nói chung đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021; bồi thường đạt 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%. Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô đạt hơn 545,4 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ hơn 11,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 2,2%. Đây là số thu lớn nhưng chi rất ít. Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy bắt buộc lên tới 765 tỷ đồng, trong khi số tiền bồi thường chỉ có 45 tỷ đồng, tức là chỉ bằng 6% doanh thu.

Nhìn vào con số chênh lệch giữa khoản thu và khoản chi của loại bảo hiểm này, nhiều người đặt ra nghi ngại, liệu bảo hiểm bắt buộc với xe mô tô, xe máy đã thực sự đạt được ý nghĩa ban đầu?

Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Bùi Xuân Thu cho rằng: Trong lĩnh vực bảo hiểm, ghi nhận tỷ lệ bồi thường thấp là điều đáng mừng, song với nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm xe cơ giới nói chung, xe máy nói riêng thì lại nói lên nhiều điều. Bởi, ở một quốc gia có hơn 61 triệu mô tô xe máy đang tham gia giao thông, trong bối cảnh số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nhóm phương tiện này đang chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông mỗi năm, mà tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới chỉ trên dưới 6%, đây là một con số quá khiêm tốn!

Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ loại bảo hiểm bắt buộc này, thay bằng bảo hiểm tự nguyện vì tỷ lệ chi trả quá thấp
Nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ loại bảo hiểm bắt buộc này, thay bằng bảo hiểm tự nguyện vì tỷ lệ chi trả quá thấp

Người dân lo ngại phiền hà

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ bồi thường thấp có thể do bản thân số vụ việc được thông báo tới cơ quan bảo hiểm còn quá ít so với thực tế xảy ra. Sự hiểu biết của người dân còn mơ hồ về pháp luật khi tham gia giao thông khiến gần như 100% tình huống va chạm đều xuất hiện lỗi hỗn hợp.

Bàn luận về vấn đề này, anh Nguyễn Ngọc Thắng (Cự Khối, Long Biên) cho rằng, chủ trương phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự là đúng. Song thực tế không nhiều người được hưởng quyền lợi khi có vấn đề xảy ra. “Thực tế tôi mua bảo hiểm xe máy chỉ với mục đích đối phó với Cảnh sát giao thông. Chứ thực ra chưa bao giờ nghĩ sẽ có được quyền lợi gì từ loại bảo hiểm này”.

Chia sẻ về vướng mắc khi thanh toán loại bảo hiểm này, Chị Phạm Thị Lan ở Hương Sơn, Mỹ Đức cho hay: “Tôi từng bị va chạm xe ở đường đến mức trầy hết xe, trục càng tay lái bị vênh, tiền sửa chữa hết gần 3 triệu đồng. Nhưng khi đi thanh toán bảo hiểm yêu cầu phải có người làm chứng trong biên bản hồ sơ. Trong khi va chạm nhau giữa đường không mang theo giấy bút, chưa kể lúc đó bị thương và hoảng sợ nên chẳng ai nghĩ đến việc này”.

Có thâm niên bán bảo hiểm xe máy gần 10 năm, chị Nguyễn Thị Hảo ở Hà Đông hoàn toàn đồng ý cho rằng quy trình để được nhận bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc nhiều khâu và phiền phức. Chị Hảo dẫn chứng, khi gặp tai nạn giao thông, chủ phương tiện phải thông báo ngay cho DN bảo hiểm tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn. Đồng thời thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Ngoài ra, chủ xe không được di chuyển, tháo dỡ khi chưa có ý kiến chấp thuận của DN bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn.

Thực tế có nhiều vụ tai nạn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, tự thỏa thuận giải quyết cho nhau, thì hồ sơ này, người thụ hưởng phải tự tổng hợp chứng cứ để cung cấp cho DN bảo hiểm, do đó trở ngại rất lớn. “Nói chung việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy chủ yếu xuất phát từ tâm lý đối phó, tránh bị phạt, còn việc bồi thường tai nạn hay mục đích xã hội gì đó thì ít ai nghĩ đến” – chị Hảo nhấn mạnh.

Chia sẻ về những bất cập của việc chi trả bảo hiểm xe máy bắt buộc, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS nêu: Những bất cập của hạ tầng và tổ chức giao thông khiến nhiều trường hợp rất khó xác định đúng sai ngay cả khi cơ quan chức năng vào cuộc.

Một lý do khác nữa là với mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ có mấy chục ngàn đồng/năm như hiện nay, mức bồi thường thiệt hại thường cũng không đáng kể, khiến đa phần người đi mô tô xe gắn máy tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chỉ vì một thứ giấy tờ cần phải có, chứ không phải nhu cầu. Theo ông Tuấn, thực tế nhiều người không hiểu bảo hiểm xe máy dùng trong trường hợp nào nên mới sử dụng sai mục đích. Đây cũng là lý do công ty bảo hiểm không thực hiện hết trách nhiệm.

Siết chặt quy định trách nhiệm của DN bảo hiểm

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tế triển khai thời gian qua, nhằm cắt giảm thủ tục, tăng cường công tác tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường bảo hiểm và tạo thuận lợi về thực hiện bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021 thay thế Nghị định số 103/2008, qua đó sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tạm ứng bồi thường, cắt giảm hồ sơ bồi thường, đấy mạnh công tác giải quyết bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Nghị định 03 cũng quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên, thời hạn thanh toán bồi thường. Theo đó, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, DN bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Mức tạm ứng từ 10 - 70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá: Nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại chính sách và quy trình giải quyết bồi thường tuy có sự cải thiện so với trước, nhưng vẫn chưa thực sự thông thoáng, tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm xe cơ giới.

Vì vậy, các công ty bảo hiểm cần đơn giản hóa quy trình, tăng cường ứng dụng số hóa để thực hiện bồi thường được nhanh chóng, nhưng thực tế vẫn gặp khó khăn do liên quan đến sự phối hợp giữa các bên. Tuy nhiên, khi đã quy định bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm thì cũng cần có quy định bắt buộc bên bảo hiểm phải có trách nhiệm thu thập hồ sơ các vụ tai nạn liên quan đến người mua.

 

Theo thống kê, tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc của xe máy ở nước ta vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 30% trong tổng số hơn 61 triệu xe; trong khi tỷ lệ tham gia của ô tô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe. Số liệu nghiên cứu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới năm 2020 cũng cho thấy, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nhóm xe máy chiếm khoảng 70% tổng số vụ tai nạn giao thông mỗi năm, nhưng tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu bảo hiểm xe cơ giới chỉ đạt 6%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần