Đây là những nét mới tại Thông tư số 39 /2011/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế - Tài chính. Thông tư mới tháo gỡ hầu hết các khó khăn đối với người bệnh. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế.
- Thưa ông, theo thông tư mới, những đối tượng nào được chi trả, những đối tượng nào không được chi trả BHYT khi bị TNGT?
Trong Luật BHYT đã quy định không chi trả bảo hiểm cho những hành vi vi phạm pháp luật do chính người đó gây ra. Vì vậy, những người bị TNGT do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của họ gây nên thì không được bảo hiểm y tế chi trả. Ngoại trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi và người già trên 80 tuổi nếu vi phạm quy định về pháp luật giao thông vẫn được Quỹ BHYT chi trả.
Những người bị TNGT không do họ gây ra, kể cả những người ngồi sau xe máy, ô tô vi phạm pháp luật giao thông dẫn đến tai nạn sẽ được chi trả BHYT.
- Theo quy định cũ, thủ tục thanh toán BHYT cho người bị TNGT rất phức tạp, khó khăn. Thông tư mới sẽ tháo gỡ thế nào?
Trước đây, người bị TNGT hoặc người nhà thường phải ứng trước tiền để trả chi phí khám chữa bệnh; khi có xác nhận của cơ quan công an là người bị TNGT không vi phạm quy định giao thông, quỹ bảo hiểm sẽ hoàn trả lại viện phí. Điều này gây khó khăn cho người được điều trị. Nhưng theo thông tư mới, người bị TNGT có tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả ngay sau khi người đó nhập viện. Sau đó, khi có bản xác minh nguyên nhân tai nạn của công an, nếu người đã được chi trả vi phạm pháp luật về giao thông thì BHYT sẽ yêu cầu người đó hoàn lại chi phí. Trong thời hạn 3 tháng, với nhiều lần nhắc nhở theo quy định, nếu người đó không hoàn trả lại chi phí cho Quỹ BHYT, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ cho quyết toán khoản chi phí đó bằng Quỹ BHYT. Đối với người vi phạm giao thông dẫn đến tử vong, Quỹ BHYT sẽ thực hiện chi trả các chi phí y tế mà không cần bản xác minh nguyên nhân tai nạn.
Trước đây, bệnh nhân và người nhà phải tự đến cơ quan công an để xác minh nguyên nhân tai nạn; hiện nay, trong vòng 2 ngày làm việc, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ làm việc này.
- Thưa ông, việc bị TNGT là không ai mong muốn. Nếu không chi trả BHYT cho người vi phạm Luật Giao thông dẫn đến bị nạn sẽ khó đảm bảo tính chia sẻ và chủ trương mở rộng ra toàn dân của BHYT?
Cũng có ý kiến như vậy. Nhưng quy định như hiện nay sẽ nâng cao được quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia BHYT. Ngoài việc được hưởng quyền lợi bảo hiểm, họ cũng phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật về giao thông. Theo tôi, quy định như vậy là phù hợp trong điều kiện kinh tế và thời điểm hiện nay. Ngay trong thông tư này, cơ quan soạn thảo cũng đã cân nhắc khi đưa ra quy định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 14 tuổi và người già trên 80 tuổi dù người đó có vi phạm quy định về giao thông hay không là cũng đã cân nhắc đến tính tính chia sẻ của BHYT.
- Xin cảm ơn ông!