Bảo hộ thương hiệu - chìa khóa cho sản phẩm làng nghề xuất ngoại

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới.

Nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, góp tỷ trọng lớn trong 1,7 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mỗi năm. Trong những năm qua, các địa phương đã tạo ra nhiều cơ chế khuyến khích DN, cơ sở sản xuất tại làng nghề phát triển.

Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP… đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới như châu Âu. Tuy nhiên, đến nay mặc dù các FTA đã đi vào thực thi nhiều năm, nhưng làng nghề Việt vẫn chưa tận dụng được các cơ hội.

Sản phẩm gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương)
Sản phẩm gốm Chu Đậu (tỉnh Hải Dương)

Chỉ ra những hạn chế níu chân sản phẩm làng nghề xuất ngoại, TS Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, phương thức sản xuất độc lập truyền thống, nhỏ lẻ, không có chiến lược kinh doanh cụ thể và thiết kế bao bì nhạt nhòa, trùng lặp, chưa bắt kịp với thị hiếu của người tiêu dùng đã khiến nhiều sản phẩm khó tiêu thụ và cạnh tranh trên thị trường. Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu, định vị cho sản phẩm làng nghề là một trong những giải pháp tốt, được nhiều địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, một số làng nghề dù đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhưng vẫn chưa bảo vệ và khai thác hiệu quả. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhãn hiệu là cách để các làng nghề thể hiện sức mạnh của thương hiệu, tạo điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới” - TS Tôn Gia Hóa khẳng định.

 

Việt Nam thuộc cộng đồng kinh tế ASEAN, đây là một thị trường chung rộng lớn với dân số trên 600 triệu người, tổng GDP hàng năm trên 3.000 tỷ USD. Tại đây, hàng rào thuế quan hầu như được hoàn toàn loại bỏ, các hàng rào phi thuế quan ngày càng hạn chế. Để hòa nhập khối kinh tế chung này một cách hiệu quả, các DN cần có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ về mọi mặt, đặc biệt là xây dựng thương hiệu.

Giám đốc Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt Nam Lê Kinh Hải

Đứng ở góc độ DN có nhiều kinh nghiệm trong việc xuất khẩu sản phẩm truyền thống, Tổng Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu Nguyễn Hữu Thức chia sẻ, nhãn hiệu là hàng rào chắc chắn giúp chống lại nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, các chủ cơ sở sản xuất cần đổi mới tư duy, chủ động đề xuất xây dựng nhãn hiệu tập thể và có ý thức gắn lợi ích cá nhân với lợi ích chung để cùng phát triển trong quá trình khai thác, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể. Có như vậy các làng nghề mới giữ vững được vị thế và khẳng định được tên tuổi trên thị trường.

Cần phối hợp của 3 bên

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam Nguyễn Thị Tòng chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề là yếu tố then chốt nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn để có thể xây dựng, quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể. Khó khăn đầu tiên đó là chưa có tiêu chí hoặc phương pháp rõ ràng trong việc lựa chọn hình thức bảo hộ: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là đối với các chỉ dẫn địa lý.

Cụ thể, đối với việc đăng ký chỉ dẫn địa lý cần dựa vào điều kiện của sản phẩm như danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm do điều kiện địa lý quyết định. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm lựa chọn dấu hiệu đăng ký chưa biết đến rộng rãi, không phải là tên gọi truyền thống, đã được sử dụng trong thương mại, dẫn đến những khó khăn trong công tác thẩm định hồ sơ đăng ký cũng như việc sử dụng, phát triển nhãn hiệu đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Mặt khác, quy trình kỹ thuật, phương pháp sản xuất được lựa chọn mang tính phổ cập, chưa quan tâm đến các yếu tố truyền thống, đặc trưng riêng đối với sản phẩm. Do đó, dẫn tới những khó khăn trong hoạt động kiểm soát, đặc biệt là chưa đáp ứng các yêu cầu để bảo hộ ở nước ngoài.

Trong khi đó, trong nội tại các làng nghề cũng tồn tại nhiều hạn chế về nhận thức, nếp làm ăn nhỏ lẻ, tâm lý nặng số lượng sản phẩm, ít quan tâm tiêu chí sản phẩm đăng ký, ít gắn với thị trường.

Đưa ra giải pháp phát huy hiệu quả thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn cho rằng, cần phải có sự vào cuộc của cả 3 bên: Nhà nước, DN và người làng nghề. Trước hết phải có sản phẩm tốt. Bên cạnh đó, cần được cải tiến về mẫu mã, thiết kế, nâng cao và đảm bảo ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo… Cùng với cải tiến mẫu mã phải đảm bảo tính truyền thống và bản sắc vùng miền, địa phương, thậm chí bản sắc của mỗi nghệ nhân trong sản phẩm.

Các làng nghề cần có chính sách quy hoạch có cơ sở để từ đó tạo nên quy mô sản xuất lớn hơn, đồng bộ hơn, có sự kết nối tốt giữa các cơ sở trong và ngoài làng nghề. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất về tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể. Từ đó, chính họ sẽ là những người trục tiếp quản lý nhãn hiệu tập thể, xây dựng và phát triển thương hiệu tốt hơn cho chính các sản phẩm của làng nghề.