Trang tin hoạt động như báo chí
Theo thống kê sơ bộ, trên cả nước đang có hơn 840 cơ quan báo chí đang hoạt động, hầu hết trong số này đều tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, đăng tải các thông tin tích cực về mọi mặt của cuộc sống cũng như truyền tải có hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng "báo hóa" của nhiều trang tin điện tử tổng hợp đã gây ra không ít bức xúc trong dư luận cũng như ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của các cơ quan báo chí chính thống.
Trên thực tế, với số lượng hơn 1.600 trang tin điện tử được cấp phép, khâu quản lý nhà nước đang gặp phải rất nhiều bất cập khi tình trạng trang tin hoạt động như một cơ quan báo chí là khá phổ biến nếu không muốn nói là tràn lan. Nhiều trang tin trong số này còn cố tình mập mờ về mặt khái niệm với báo điện tử, tạp chí điện tử khi sử dụng tiêu đề trang chủ, tên miền có các từ như Báo, Tạp chí, Tin tức, News, Online… từ đó khiến người đọc không thể phân biệt, dễ gây hiểu lầm về tính chính thống của trang tin.
Bộ TT&TT cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử. Đây là vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng |
Không chỉ đánh tráo khái niệm về tên gọi, một số trang tin điện tử tổng hợp còn xây dựng hoặc thậm chí là sao chép y nguyên giao diện của các tờ báo điện tử. Sau đó dẫn lại các bài viết tiêu cực, gây sốc... từ các báo khác nhằm thu hút người đọc, qua đó kiếm về doanh thu quảng cáo. Điển hình cho tình trạng này là việc mới đây Sở TT&TT Hải Phòng đã phát hiện ra 4 trang tin điện tử (quandoinhandan.org; doisongphapluat.com; baocongluan.com ; congluanviet.com) sử dụng tên miền quốc tế cũng như giao diện giống gần như y hệt các cơ quan báo chí như báo điện tử Quân đội nhân dân, báo Đời sống và Pháp luật, báo điện tử Công Luận. Đáng chú ý, không ít thông tin trên những trang giả mạo này là tin giả, dễ gây hiểu nhầm cho người đọc.
Nghiêm trọng hơn là tình trạng trang tin điện tử tổng hợp "hành" DN gây nhiều bức xúc trong xã hội. Cụ thể, để "lách" Luật, nhiều trang tin đã chủ động liên kết với cơ quan báo chí để hợp pháp hóa nguồn tin, sau đó tự sản xuất tin, bài nhằm dọa dẫm DN để ép quảng cáo. Thậm chí, nhiều trang tin dẫn nguồn từ báo điện tử nhưng không gỡ bài khi báo gốc đã gỡ nhằm mục đích ép buộc DN được đề cập trong bài viết phải đổi quảng cáo hoặc chi tiền thì mới chịu gỡ bài.
Một số trang tin còn in thẻ phóng viên, làm giấy giới thiệu cho nhân viên của mình đến các cơ quan, ban ngành, DN để tìm hiểu tình hình hoạt động nhưng thực chất là mời chào quảng cáo, tuyên truyền. Nếu không thực hiện được mục đích ban đầu, những trang tin này sẽ dọa dẫm viết bài "đánh" đơn vị.
Tiêu biểu cho trường hợp trên là vụ việc vừa được Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành xử lý vào tháng 3/2019. Theo đó, từ tin báo của quần chúng, Công an địa phương này đã tiến hành bắt quả tang đối tượng Hà Văn Khải đang nhận 50 triệu đồng của một DN trên địa bàn huyện Nga Sơn tại TP Thanh Hóa. Trước đó, Khải đã tự xưng là phóng viên để đến DN nói trên đe dọa viết bài tiêu cực đăng tải trên một số trang thông tin điện tử nếu không chịu đưa tiền. Không chỉ thực hiện hành vi tống tiền một mình, Khải còn câu kết với một số đối tượng khác gọi điện thoại đe dọa, cưỡng đoạt tiền của DN này.
Ngoài ra không thể không kể đến tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn, khi các trang tin điện tử tổng hợp ngang nhiên lấy bài từ các báo khác nhưng không hề xin phép.
Nói về thực trạng trên, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho rằng: Đã đến lúc cần tăng cường quản lý các trang tin điện tử tổng hợp bởi biện pháp quản lý tiền kiểm qua cấp phép hiện tại đã lộ những hạn chế. Đáng chú ý, nhóm các DN hoạt động cung cấp dịch vụ trang thông tin điện tử tổng hợp thường có nhiều sai phạm nhất, thậm chí tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí và thường liên kết với một báo nào đó để rửa nguồn.
Những trang này nhìn vào giao diện, nội dung, chuyên mục không khác gì một báo điện tử. Tình trạng báo hóa, rửa nguồn, viết bài “đánh” DN chủ yếu xảy ra ở nhóm này... Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, thay vì những biện pháp xử phạt chưa đủ sức răn đe mạnh như hiện nay, trong thời gian tới, nếu trang tin điện tử tổng hợp nào vi phạm trước tiên sẽ treo tên miền nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm, sau đó mới tiến hành các biện pháp xử lý sau.
Dừng cấp phép trang tin tổng hợp từ 1/11
Đứng trước tình trạng "báo hóa" của các trang tin điện tử tổng hợp, mới đây Bộ TT&TT đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhóm này. Đáng chú ý nhất là việc từ 1/11, Bộ sẽ tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với nhóm đối tượng là các DN và các cơ quan báo chí. Qua đó tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý các trang tin điện tử tổng hợp vi phạm và sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý.
Vào tháng 7/2019 vừa qua, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt đã có công văn gửi tới Công ty CP Công nghệ EPI - đơn vị sở hữu trang web tổng hợp tin tức tự động Báo Mới (baomoi.com) về việc không cho phép trang này trích dẫn thông tin từ Báo điện tử Dân Việt (danviet.vn). Bên cạnh đó, với các tin bài được đăng tải trên các website, trang tin của đối tác dẫn nguồn từ Báo điện tử Dân Việt, Ban Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt cũng đề nghị Báo Mới không được đăng tải lại. |
Bên cạnh đó, Bộ giao các Sở TT&TT tiến hành rà soát, thống kê số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp phép. Nếu trang thông tin điện tử tổng hợp đang hoạt động sử dụng tên trang, tên miền có những từ ngữ có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí thì yêu cầu tổ chức, DN sở hữu trang phải thay đổi tên trang, tên miền cho phù hợp.
Sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư sẽ không xem xét cấp phép đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền thuộc địa phương khác, không cho phép trang thuộc địa phương tổng hợp thông tin về địa phương khác. Đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép hoạt động vi phạm điều này thì phải yêu cầu tổ chức, DN sở hữu trang tin đó sửa đổi, bổ sung giấy phép cho phù hợp.
Cũng theo Bộ TT&TT, đối với các hành vi hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, nội dung trong giấy phép đã được cấp, hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, hành vi cung cấp thông tin có xu hướng giật gân, câu khách, vi phạm bản quyền và các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về việc lấy lại tin, bài từ các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp bắt buộc phải có thỏa thuận bằng văn bản. Những văn bản này phải được nộp về cơ quan cấp phép trước ngày 15/11/2019. Sau thời hạn nói trên, nếu trang thông tin tổng hợp nào tổng hợp tin, bài từ nguồn tin không có thỏa thuận bằng văn bản, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài ra, trang thông tin điện tử tổng hợp phải thể hiện đường dẫn để truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang thông tin điện tử tổng hợp đăng lại từ các báo.
Có thể thấy, việc ngăn chặn tình trạng "báo hóa" của các trang tin điện tử tổng hợp là vấn đề rất cấp thiết hiện nay, không chỉ tránh sự nhiễu loạn thông tin, phát tán tin giả, ảnh hưởng tới người dân, DN mà bên cạnh đó còn tạo ra môi trường báo chí lành mạnh. Đặc biệt là trong bối cảnh năm 2020 sẽ diễn ra sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia của Việt Nam là Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó thông tin trên môi trường mạng, đặc biệt là ở các trang điện tử tổng hợp cần phải mang tính chính thống, chuẩn xác, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự.