Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm góp ý Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Giải pháp tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị

Thủy Tiên - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 4/11, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Giải pháp tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”.

Tọa đàm do Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức chủ trì. Tham dự tọa đàm có TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; ThS. Phan Trường Thành – Chuyên gia giao thông.
 Toàn cảnh tọa đàm.
Mở đầu tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết: Ngày 19/10, Toàn văn dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến Nhân dân. Bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Cuộc tọa đàm tập trung vào chủ đề "Giải pháp tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị", đây là một trong những vấn đề được Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định trong các định hướng trọng tâm phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia phân tích, khẳng định những kết quả trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, đột phá chiến lược về công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển hệ thống giao thông trong giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, từ góc nhìn thực tế, làm rõ thêm những hạn chế, bài học kinh nghiệm và đề xuất thêm các ý kiến để làm sâu sắc hơn các mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới được đặt ra trong đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; tăng cường hệ thống giao thông trọng điểm, liên vùng…. Cùng với đó, các chuyên gia cũng góp ý thêm về một số nội dung liên quan được đặt ra trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam, trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng; báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 – 2020) và chiến lược 10 năm tới cũng như Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng… đã nêu đồng bộ các nội dung. Trong đó, công tác quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã tiếp cận với hội nhập, chọn lọc bài học kinh nghiệm, xu thế phát triển từ thế giới. Đó là xây dựng đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh. Nhiều đô thị có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Ngoài ra, trong phát triển đô thị đã chú trọng đến phát triển xây dựng nông thôn mới trong vùng và trong từng đô thị, góp phần tạo bản sắc cho đô thị và giảm khoảng cách giàu nghèo.
Khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hạ tầng giao thông, ThS Phan Trường Thành cho rằng, việc xác định xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là một phần trong 3 khâu đột phá là quan điểm hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cần lưu ý đến vấn đề quy hoạch đảm bảo đồng bộ, cân đối lại tỷ lệ và phương thức đầu tư giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy. Bên cạnh đó, ưu tiên xã hội hóa và các cơ chế chính sách vừa đảm bảo thu hút các nguồn vốn đầu tư, vừa đảm bảo chất lượng công trình, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân. Ngoài ra, cần ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành tổ chức giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai các công trình giao thông, tránh thất thoát vốn ngân sách.
 Các khách mời tham gia tọa đàm. 
Kết luận tọa đàm, Tổng Biên tập Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức trân trọng cảm ơn những ý kiến chuyên sâu, tâm huyết của các khách mời. Nhận định xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị là vấn đề rất khó và mới, qua các ý kiến đóng góp đã khẳng định quy hoạch là điều kiện tiên quyết, yếu tố quan trọng để triển khai thực hiện các vấn đề kinh tế xã hội. Qua tọa đàm đã nêu lên những mặt được hoặc chưa được trong phát triển đô thị trong thời gian qua, từ đó đặt ra những đề xuất, hướng giải pháp trong thời gian tới về quản lý đất đai, hạ tầng giao thông và đô thị. Bên cạnh đó, góp ý sâu về việc phát triển giao thông đô thị, quản lý đô thị và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, vai trò của người dân trong phát triển hạ tầng, giao thông trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, việc phát triển đô thị và hạ tầng giao thông đòi hỏi trình độ, ý thức người dân, đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.
Trân trọng tiếp thu các ý kiến của các khách mời, báo Kinh tế & Đô thị sẽ tổng hợp chi tiết để gửi Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư tổng hợp ý kiến góp ý vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.