Bão lũ miền Trung: Trời mưa như trút, người tràn nước mắt

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi trời tiếp tục mưa như trút nước thì người miền Trung vẫn gồng mình trong mưa lũ, nước mắt của người nhà 13 cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của đoàn công tác hy sinh trên đường đi cứu hộ 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 vẫn không ngừng rơi.

Chiều muộn 15/10, tại khu vực đầu con đường dẫn vào thủy điện Rào Trăng 3 (thôn Tân Lập, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), hàng trăm người dân, thân nhân và người thân của Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình - một trong 13 nạn nhân tập trung để đón thi thể ông.
Khi chiếc xe cứu thương chở thi thể Chủ tịch UBND huyện Phong Điền từ khu vực gặp nạn ở Tiểu khu 67 ra đến trung tâm xã Phong Xuân, nhiều người nhà ông Bình cũng chạy với theo xe và khóc. Người nhà cho biết họ mong muốn xe sẽ chở thi thể ông ghé về nhà thăm rồi sau đó di chuyển vào Bệnh viện Quân y 268 ở TP Huế. Chiếc xe cứu thương rời đi trong sự dõi theo thương xót của mọi người…
 Người nhà Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình đưa 5 nén nhang cho cán bộ quân đội trên xe chở thi thể ông.
Tối cùng ngày, hàng xóm, người thân, bạn bè, đồng nghiệp ông đến rất đông tại nhà riêng ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Những khuôn mặt nặng nề, những tiếng thở dài và nước mắt hòa thành nỗi đau.

Từ hôm biết tin, vợ ông và 2 con quỵ ngã, mọi người cố động viên, nhưng lời nói sao xóa được sự thật đau lòng. Căn nhà đầy bùn đất khi vừa trải qua trận lũ được người thân, xóm làng dọn giúp. Tất cả đều nén lòng, lặng im, chờ đón ông về nhà.

Cũng trong ngày 15/10 - ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4 không thể chung vui cùng các đồng đội. Mà những đồng đội giờ này cũng không ai còn tâm trạng, tất cả họ đều đang hướng về Rào Trăng 3. Từ khi biết tin thủ trưởng Man gặp nạn, không khí tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình trầm lắng, mọi người cứ nhìn nhau, ai cũng buồn. Một số cán bộ đã tập trung tại nhà riêng của Tướng Man ở TP Đồng Hới để động viên tư tưởng, trấn an vợ con ông.

Thiếu tướng Man được đánh giá là con người rất xông xáo, lo lắng và trách nhiệm với người dân vùng lũ. Ông vừa chỉ đạo chung, vừa trực tiếp đến những chỗ nguy hiểm. Đặc biệt vùng rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) là nơi tướng Man nhiều lần về kiểm tra, chỉ huy bộ đội ứng cứu bà con gặp nạn.

Ngày 15/10, còn là 1 ngày đặc biệt với anh Phạm Văn Hướng (sinh ngày 15/10/1968; Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế), phóng viên duy nhất đi theo đoàn cứu nạn cứu hộ.

Người thân anh Hướng ngậm ngùi chia sẻ: “15/10 là sinh nhật lần thứ 52 của anh, nhưng cả nhà phải tưởng nhớ anh bằng những lời cầu nguyện”.

Anh Hướng là một người con quê Thái Bình, vào Thừa Thiên Huế lập nghiệp, công tác từ huyện miền núi rồi về đồng bằng. Anh có một mái ấm với người vợ quê ở Quảng Bình cùng 2 cô con gái chăm ngoan, học giỏi. Trong đó, cô con gái đầu đang theo học đại học ở Hà Nội, cô út học lớp 11.

Những ngày qua, nghe tin anh Hướng nằm trong danh sách 13 người của đoàn công tác mất liên lạc, đồng nghiệp của anh ai cũng cầu nguyện một phép màu, cho cả anh và tất cả! Nhưng rồi, chiều 15/10, từng chiếc xe cứu thương chở thi thể nạn nhân từ khu vực sạt lở Tiểu khu 67 đi ra, trong đó có anh Hướng, tất cả chúng tôi đều quặn thắt tâm can. Xót xa. Đau đớn!

Nhà báo Văn Thắng (báo Sài Gòn Giải phóng) chia sẻ: “Các anh em báo chí đều xem anh Hướng là một người anh, người đồng nghiệp thân thương. Anh Hướng hay cười, ít nói. Anh em cần thông tin gì là anh ấy hỗ trợ ngay vì anh làm ở Cổng thông tin điện tử tỉnh. Nhiều khi anh làm cho anh em trước cả công việc của mình. Một người anh rất nhiệt tình thân thương!”.

Nhà báo Văn Thắng cho biết thêm, anh Hướng đặc biệt sâu nặng với quê hương Thái Bình. Chỉ cần gặp ai nói giọng miền Bắc là anh ấy mến và gần gũi ngay. Và anh ấy có ước nguyện mấy năm nữa về hưu sẽ về Bắc, về với gia đình, làm vườn, trồng cây. Năm nào anh Hướng cũng về quê, lo cho quê hương, người thân, chăm chút mọi việc…
Trước đó, trưa 12/10, công trình thủy điện Rào Trăng 3 sạt lở, khiến 3 người chết, 17 người mất liên lạc.

Chiều 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quân khu 4 lên đường cứu hộ, cứu nạn.

Rạng sáng 13/10, khu vực đoàn cứu hộ dừng chân nghỉ ở tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm Sông Bồ bị sạt lở khiến 13 người mất liên lạc.

Sáng 14/10, chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn 372 vào khu vực Rào Trăng 3. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng giải cứu 19 người và đưa 1 thi thể ra ngoài.

Chiều 15/10, 13 thi thể cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ của đoàn công tác được tìm thấy tại tiểu khu 67.