Tối 7/4, tại khách sạn REX (quận 1), Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ ra mắt chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.
Đến dự có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Vừ A Dính; bà Trần Kim Yến - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo và đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh kiêm Trưởng ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, phát biểu: “Mỗi ngư dân là một cột mốc sống chủ quyền trên biển. Để mỗi cột mốc ấy ngày một vững chắc hơn, ngày càng an tâm bám biển, khai thác đánh bắt hải sản một cách an toàn, đúng pháp luật, vừa phát triển sinh kế vừa gìn giữ chủ quyền, rất cần sự chung sức chung lòng của toàn xã hội. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hải sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu gắn thẻ vàng 5 năm qua chưa gỡ được; đời sống của bà con ngư dân đang gặp không ít khó khăn.
Với trách nhiệm là cơ quan truyền thông, chúng tôi rất mong muốn góp một phần tâm sức của mình để hỗ trợ sinh kế cho bà con ngư dân. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn được cùng với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương hưởng ứng kế hoạch hành động tháo gỡ thẻ vàng mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành”.
Cũng theo ông Nguyễn Thái Bình, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” diễn ra ở 28 tỉnh, thành có biển trên toàn quốc, kéo dài trong 3 năm (2023 - 2025). Chương trình không chỉ dừng lại ở việc tặng hàng nghìn phần quà có giá trị thực tiễn hỗ trợ ngư dân; học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, mà còn tuyên dương, nhân rộng những mô hình, nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển; có những hành động đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng nguồn lợi của biển; tạo ra các giá trị cạnh tranh cho ngành thủy sản Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh. Ông Khuê nhận định, đây là chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, ngoài ý nghĩa chính trị - pháp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta đang rất cần sự chung sức, chung lòng của bà con ngư dân khắp các tỉnh thành có biển, để cùng hành động một cách quyết liệt nhằm tháo gỡ thẻ vàng châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.
Đại sứ chương trình là Hoa hậu Trái đất 2018 - Nguyễn Phương Khánh
Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Tổng Biên tập Nguyễn Thái Bình làm Trưởng Ban tổ chức. Chương trình có sự đồng hành tham gia của đại diện: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nghề cá Việt Nam; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Chương trình được tổ chức tại 28 tỉnh thành có biển trên cả nước. Tại mỗi địa phương, Ban tổ chức chương trình sẽ trao quà cho 200 ngư dân (tổng cộng 5.600 ngư dân cả nước), mỗi phần quà trị giá hơn 4 triệu đồng (tổng giá trị chương trình hơn 22,4 tỷ đồng), gồm: 1 bộ ắc quy phục hồi và đèn led, phao cứu hộ, 1 túi thuốc cùng các loại thuốc cần thiết.
Ngoài ra, chương trình còn trao học bổng, xe đạp, sách vở… cho con em những gia đình ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, neo đơn. Chương trình cũng phát hành cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” do báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, với rất nhiều kiến thức về pháp lý cần thiết dành cho bà con ngư dân.
Cũng theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, kế hoạch hành động của Thủ tướng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã xác định rõ: Phải thống nhất nhận thức, hành động và cả hệ thống chính trị phải nhập cuộc trong công tác này và coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên, cấp bách; tập trung nguồn lực thực hiện với quyết tâm cao nhất là tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP có hơn 2.000 ngư dân tập trung chủ yếu ở huyện Cần Giờ. Trong đó, gần 150 ngư dân đánh bắt vùng khơi, gần 500 ngư dân đánh bắt vùng lộng, hơn 1.500 ngư dân lao động ven bờ và hậu cần nghề cá. Suốt thời gian qua, lãnh đạo TP đã chỉ đạo sát sao để các cơ quan, đơn vị kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ bà con trong việc đánh bắt, nuôi trồng hải sản, đảm bảo đời sống, vừa tổ chức vận động, tuyên truyền để bà con ngư dân tuân thủ luật pháp khi khai thác trên biển. Đến nay TP không có trường hợp nào vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài kế cận nước ta.
“Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều hoạt động hướng về biển đảo, cùng chung tay bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tiếp nối từ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, ý nghĩa, gắn với đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ tại các vùng biên giới, hải đảo. TP cũng thường xuyên tổ chức đoàn đại biểu đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và các đảo thuộc vùng biển Tây Nam, nhà giàn DK1. Sắp tới, TP cũng sẽ có đoàn đến thăm, tổ chức chương trình “Vì Trường Sa xanh” tại đảo Nam Yết”, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết thêm.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá cao những hoạt động ý nghĩa của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua. Đơn cử như “Chương trình hỗ trợ pháp lý miễn phí cho bạn đọc”, đã hỗ trợ pháp lý cho hàng trăm nghìn người dân khắp cả nước. Báo cũng phối hợp với Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ chủ quyền biển đảo, như chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, xây dựng hai trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Hai ngôi trường này đã trở thành biểu tượng cho tình yêu hòa bình, cho trái tim của đất liền dành cho biển đảo.
“Với chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ông Phan Nguyễn Như Khuê mong rằng chương trình sẽ lan tỏa những thông điệp tích cực nhất, góp phần trong việc nâng cao đời sống ngư dân, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân nói chung và ngư dân nói riêng khi khai thác, đánh bắt trên biển. “Làm sao để mỗi ngư dân thực sự là một cột mốc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thực sự là đại sứ tuyên truyền, chung tay tháo gỡ thẻ vàng châu Âu. Từ đó, xây dựng ngành thủy - hải sản Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh”, ông Khuê bày tỏ.
Tại buổi ra mắt chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”, Ban tổ chức đã trao học bổng cho 10 học sinh đầu tiên ở huyện Cần Giờ, và trao 3 phần quà cho 3 ngư dân đầu tiên. Đồng thời, nhận số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng do bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Bình Tây trao tặng.