Thành lập năm 1985, trải qua 30 năm phát triển Báo Pháp luật Việt Nam hiện đã trở thành cơ quan báo chí lớn với 9 ấn phẩm gồm: Báo Pháp luật Việt Nam hàng ngày, Báo Pháp luật điện tử, Doanh nhân & Pháp luật, Pháp luật & thời đại, Xa lộ Pháp luật, Câu chuyện Pháp luật, Pháp luật 4 phương, Pháp luật chuyên đề, chuyên đề Dân tộc miền núi. Với slogan “Vì nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”, thông tin nhanh nhạy nhưng chính xác, bình luận sâu sắc nhưng khách quan, bám sát các vụ việc đến cùng nhưng mang tính xây dựng và thượng tôn luật pháp; Báo Pháp luật Việt Nam đã được các cơ quan, doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc đánh giá là tờ báo uy tín.
Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Pháp luật Việt Nam, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
|
Không chỉ thực hiện tốt nghiệp vụ làm báo, trong giai đoạn 2008-2015, Báo Pháp luật Việt Nam còn ghi dấu ấn đậm nét trong các hoạt động truyền thông pháp luật khác thông qua việc tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện và tổ chức sự kiện thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội đối với bạn đọc trong cả nước. Các sự kiện xã hội từ thiện được Báo tổ chức hàng năm, trở thành một hoạt động định kỳ của Báo, như: Vận động tài trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình nghèo, gia đình chính sách khu vực miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc; xây dựng “Mái ấm Tư pháp” cho các cán bộ Tư pháp còn khó khăn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, huyện đảo Lý Sơn; tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó theo chương trình xã hội từ thiện hàng năm…
Đặc biệt là với sự hợp tác, giúp đỡ của các doanh nghiệp, đối tác, trong gần 10 năm qua, Báo Pháp luật Việt Nam đã thực hiện thành công Chương trình “Chung tay xóa nghèo pháp luật”, cấp phát miễn phí các ấn phẩm của Báo cho cán bộ và đồng bào các xã miền núi, khu vực khó khăn.
Với việc thực hiện chương trình Chung tay xóa nghèo pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, được Bộ Tư pháp và Chính phủ đánh giá là một ý tưởng sáng tạo, có ý nghĩa trong việc kết nối các nguồn lực của xã hội, Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân.
Với những nỗ lực và đóng góp của báo Pháp luật Việt Nam, Báo đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, có ý nghĩa: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2002); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005); năm 2014, Báo được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và năm 2015, Báo vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng huân Chương lao động hạng Nhất.
Nhân sự kiện Kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Tư pháp, Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ 6 và 30 năm thành lập Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Chương trình vinh danh “Gương sáng Tư pháp” trong phạm vi toàn quốc để biểu dương, vinh danh các cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc như: Cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn, hòa giải viên; Cán bộ làm công tác pháp chế của các Doanh nghiệp, Bộ, ngành, HĐND và UBND các cấp; Luật sư, công chứng viên, giám định viên; Cá nhân làm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm cả các cộng tác viên, báo cáo viên, trợ giúp viên của các tổ chức trợ giúp pháp lý từ Trung ương đến địa phương; Cán bộ, viên chức ngành Tư pháp.
Các tác giả có tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi Gương sáng Tư pháp được tặng thưởng.
Hội đồng bình chọn đã thống nhất lựa chọn 30 “Gương sáng Tư pháp” được vinh danh. 30 gương sáng tư pháp được lựa chọn là những người có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Tư pháp. Đó là các lãnh đạo ngành Tư pháp đã nghỉ hưu, các giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Thi hành án dân sự, các giám định viên, luật sư, công chứng…Đặc biệt, trong 30 gương sáng tư pháp được lựa chọn có nhiều cán bộ làm những công việc hết sức bình lặng ở cơ sở như tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, các già làng, trưởng bản, cán bộ tư pháp hộ tịch cấp huyện, xã…Hội đồng bình chọn cũng quyết định trao giải (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích) cho 15 tác giả có các tác phẩm xuất sắc tham dự Cuộc thi.