Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 10 khiến ít nhất 5 người chết, 24.000 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 15/9, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do bão số 10 gây ra tại các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ.

Theo đó, bão số 10 gây mưa to, gió lớn đã khiến ít nhất 5 người chết (trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế - mỗi địa phương có 1 người). 8 người khác hiện đang bị thương, phải điều trị tại các cơ sở y tế. Thống kê cũng cho thấy, có trên 24.000 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng, tốc mái. Số nhà dân bị ngập cũng lên tới 5.489 nhà (chủ yếu tại Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà). Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.
 
Bên cạnh công trình dân sinh, 1 cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị gãy đổ; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ, gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng. Tổng số khách hàng bị mất điện là 1.307.000 người, đến nay đã khôi phục cấp điện trở lại cho 165.198 khách hàng (đạt 13%). Bão số 10 cũng gây thiệt hại nghiêm trọng đối với đê biển. Cụ thể, sạt đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An dài 50m, nước tràn vào đồn. Vỡ đê biển Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh dài 25m và trôi cống Kho Muối. Sạt lở đê biển Cẩm Hà - Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên dài 2.000m. Đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở mái phía đồng 2 đoạn dài 1.800m (xã Hải Hòa: 600m; xã Hải Thịnh: 1.200m). Hiện nay tỉnh đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái phía đồng. Sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dù bão số 10 đã đi qua, nhưng hoàn lưu bão vẫn gây mưa trong những ngày tới tại khu vực Trung Trung Bộ. Theo đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các bộ ngành, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoàn lưu bão số 10 nhất là tình hình mưa lũ gây ra sau bão. Tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt mạng. Tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng hỗ trợ dân sửa chữa nhà ở, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống. Rà soát việc dự trữ các mặt hàng thiết yếu, giống cây trồng, cơ số thuốc để sẵn sàng cung cấp sớm ổn định dân sinh, khôi phục sản xuất. Huy động lực lượng khẩn trương xử lý các sự cố về đê điều; khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc; thu dọn cây bị đổ, gẫy, san gạt đất đá sạt lở đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh. Kiểm tra, rà soát các trọng điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn đảm bảo an toàn về người và tài sản. Bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn ngập lũ, các đoạn đường bị sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, các bến đò ngang, đồng thời nghiêm cấm người dân vớt gỗ, củ trên các sông, suối để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình nhất là tại những trọng điểm xung yếu đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn công trình. Chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi xả lũ theo đúng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt khu vực hạ du. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả và phổ biến các kỹ năng phòng tránh, khôi phục để người dân chủ động thực hiện giảm thiểu thiệt hại.