Đánh giá về công tác ứng phó thiên tai thời gian qua, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tinh thần ứng phó của các bộ ngành là khá kịp thời. Mỗi khi xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới vào là các bộ ngành, địa phương tổ chức họp để bàn giải pháp ứng phó chủ động.
Đối với bão số 13, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dù còn cách xa đất liền, tuy nhiên, cơn bão này có nhiều tính chất đặc biệt, là cơn bão lớn, đổ bộ cuối vụ và bị chi phối bởi nhiều tác nhân, trong đó có áp cao nhiệt đới. “Bão số 13 rất khó lường, khó đoán định nên tuyệt đối không thể chủ quan trong ứng phó...” – ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 12/11 |
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là dự báo phải chính xác, và có chiến lược thích ứng phù hợp. Trong đó, đặc biệt quán triệt 3 vấn đề cần lưu ý trên biển là: Kiên quyết không để tàu thuyền hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn tàu thuyền ven bờ và lồng bè, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt là tuyến biển khu vực Bắc Trung Bộ, phòng kịch bản bão số 13 hướng lên phía trên. Tuyệt đối không để bất ngờ khi bão đổ bộ lên phía Bắc Trung Bộ.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai nhận định, tuyến ven biển miền Trung sẽ cực kỳ nguy hiểm khi bão số 13 đổ bộ do khu vực này đã chịu ảnh hưởng lớn do tác động của nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới thời gian qua. Do đó, đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia tiếp tục bám sát, cập nhật thường xuyên diễn biến, hướng di chuyển của bão. Đặc biệt là hoàn lưu gây mưa sau bão số 13, vì chỉ cần mưa dồn dập 200 - 300mm thì sự cố rất dễ xảy ra đối với các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Nhận định các hồ chứa ở Trung Bộ và Tây Nguyên hiện đều no nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các đơn vị quản lý cần quan tâm, có biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi; đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, đang thi công… Các bộ ngành bám sát công tác dự báo để có ứng phó phù hợp. Các thành viên Ban Chỉ đạo không được chủ quan, chống tư tưởng mỏi mệt. Bão số 13 còn diễn biến rất phức tạp nên chỉ cần lơi là một chút thì sẽ rất nguy hiểm.
Liên quan đến công tác ứng phó số 13, hiện nay, Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đang tiếp tục huy động hàng chục ngàn người, sẵn sàng ứng phó các tình huống do bão số 13. Trong đó, tàu hải quân có khả năng chạy được ở cấp siêu bão và máy bay, trực thăng cũng đã được huy động. Bộ đội Biên phòng đã bố trí các đồn biên phòng gần khu dân cư có nguy cơ gặp sự cố tại ven sông suối, vùng trũng thấp, miền núi để làm nơi sơ tán, trú tránh cho người dân trong tình huống khẩn cấp.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) thông tin thêm, đơn vị này đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền trên biển biết về hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đặc biệt, có văn bản đề nghị các tỉnh, TP khu vực từ Thanh Hóa – Bình Thuận, đề nghị hướng dẫn ngư dân gia cố lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Kêu gọi người dân tuyệt đối không ở trên lồng bè, tàu thuyền trong thời gian bão đổ bộ…