Bão số 16 dự kiến đổ bộ vào Cà Mau với sức tàn phá tương đương bão Linda năm 1997

Đức Thọ (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, chiều tối nay (25/12) bão số 16 (bão Tembin) sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ, với cường độ cấp 8 - 10, giật 11 - 12.

 Vị trí và đường đi của bão số 16.
Bão sẽ giảm cấp khi vào đất liền 
Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư thông tin, trong đêm qua (24/12), bão số 16 đã đi qua khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân. Tại đảo Trường Sa và Huyền Trân đã quan trắc được gió mạnh cấp 11, gió giật cấp 14, ở trạm DKI/19 quan trắc được gió mạnh cấp 13, giật cấp 15.

Sáng nay (25/12), bão số 16 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với cường độ giảm hơn so với thời điểm mạnh nhất khi ở khu vực đảo Trường Sa và Huyền Trân.

Hồi 7h ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 320km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115km/giờ), giật cấp 13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Tây Bắc, khoảng 100km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 50km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển 20 - 25km/h, đến 7h ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Tây Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/giờ), giật cấp 11 - 12.

Từ trưa nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9 - 10, giật cấp 13.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 12. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió cấp 7 - 8, giật cấp 10. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Hình ảnh sáng 25/12 tại nhà giàn DK1/14. Ảnh: Facebook Nguyễn Thế Dĩnh - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1.
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV T.Ư nhận định, khi bão số 16 vào bờ cường độ sẽ giảm ở mức cấp 8 - 9 hoặc cấp 9 - 10, giật 11 - 12. Với cấp độ này tương đương với cấp độ bão Linda đổ bộ vào Cà Mau năm 1997. Vì vậy, mức độ rủi ro do bão Tembin gây ra ở mức cao nhất.

Cập nhật từ hiện trường qua báo Tuổi Trẻ sáng 25/12, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: "Hiện nay, sóng vô cùng lớn tại nhà giàn 1/2 và 1/15. Sóng đánh trùm qua nhà nhỏ".

Đại úy Trịnh Trọng Nghĩa - Chỉ huy trưởng nhà giàn Quế Đường thông tin thêm, sáng nay gió có lúc lên cấp 13, 14 giật cấp 15. Nhà giàn bị rung lắc mạnh. Nhưng may mắn là nhà và người đều an toàn.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Sẵn sàng sơ tán 170.000 dân khỏi vùng nguy hiểm

Trước khả năng bão số 16 ảnh hưởng trực tiếp đến Bà Rịa - Vũng Tàu, các địa phương, cơ quan đơn vị trong tỉnh đang cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Theo báo cáo của Ban PCTT-TKCN tỉnh, tính đến chiều 24/12, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ là 5.143 tàu/25.629 ngư dân. Hiện còn 584 tàu/3.454 ngư dân hoạt động trên biển ngoài vùng nguy hiểm, 27 tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm đã trên đường vào tránh trú tại Trường Sa, huyện Côn Đảo và các tỉnh miền Tây. Các tàu này đều vẫn giữ liên lạc.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số đê biển, đê bao, hồ đập xung yếu cần được bảo vệ gồm kè Bình Châu - Bến Lội, kè Phước Tỉnh, đê Chu Hải, hồ Châu Pha, hồ Sông Hỏa, hồ Kim Long, hồ Sông Ray. Tất cả các đê biển, đê bao, hồ đập xung yếu đều có người trực canh 24/24h để xử lý kịp thời. 4 hồ chứa nước trên hiện nay đang chủ động xả lũ để giảm nước phòng khi có mưa lớn.

Về phương án sơ tán dân, dự kiến, khi bão ảnh hưởng trực tiếp sẽ có 166.955 người phải sơ tán (trong đó 3 địa phương là Long Điền, Xuyên Mộc, TP Vũng Tàu phải sơ tán hơn 100 ngàn người). Côn Đảo là địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp bão số 16.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo đã thông báo cho HS toàn huyện nghỉ học từ 25/12 (thứ Hai). Hiện nay, trên 452 lồng bè nuôi trồng thủy sản có 2.185 người lao động, tất cả đều phải vào nơi trú ẩn an toàn, nếu không vào sẽ bị cưỡng chế sơ tán.
Cà Mau: Trắng đêm kêu gọi ngư dân vào bờ

Thông tin trên báo Cà Mau, tính đến 21h ngày 24/12, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, đơn vị đã kêu gọi được 1.360 phương tiện/9.419 người vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn 476 phương tiện đang trên đường vào các cửa biển gần nhất để tránh trú.

Tại đảo Hòn Chuối, Đồn Biên phòng đã giúp bà con cư dân chằng néo nhà cửa, di dời tài sản có giá trị lên vị trí an toàn; tổ chức dời bè cá lồng và bao lưới chống sóng để cá không thoát ra ngoài. Khi có gió mạnh và sóng lớn, Đồn Biên phòng Hòn Chuối sẽ di dời cư dân lên đồn tránh trú.
Khẩn trương kêu gọi ngư dân vào bờ.
Hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng Cà Mau đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tiếp tục kêu gọi số phương tiện còn lại trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão; hỗ trợ những gia đình chính sách, gia đình neo đơn chằng chống nhà cửa và di dời dân ở các khu vực xung yếu vào nơi toàn. Tổ chức lực lượng phối hợp với công an tuần tra bảo vệ địa bàn, bảo vệ tài sản Nhân dân.

Theo kế hoạch, Đồn Biên phòng Sông Đốc sẽ duy trì 2 tổ công tác cơ động suốt đêm nay trên sông để nhắc nhở ngư dân neo đậu đúng nới quy định và ra cửa biển kêu gọi những chủ phương tiện còn neo ngoài cửa nhanh chóng vào bờ.
Không lơ là, chủ quan trong ứng phó bão số 16

Tại tỉnh Sóc Trăng, theo báo cáo, hiện nay đã có 667 tàu, thuyền vào bờ an toàn; có 167 tàu, thuyền đã neo đậu tại Côn Đảo; công tác di dời dân cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để triển khai các hoạt động ứng phó.

Trong khi đó, đến chiều 24/12, toàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu) có 81 tàu thuyền và 165 thuyền viên còn hoạt động trên biển. Ngành chức năng đã liên lạc và kêu gọi tàu thuyền vào trú bão, chỉ còn 1 tàu chưa liên lạc được. Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với gia đình để liên lạc với phương tiện này.

Còn tại TP Bạc Liêu, đã thông tin bão số 16 cho các hộ dân sống ven biển Nhà Mát. Bộ đội Biên phòng vận động các hộ kinh doanh mua bán tại bờ kè Nhà Mát tạm nghỉ kinh doanh. TP Bạc Liêu cũng đã triển khai phương án sơ tán dân vào trú bão ở các điểm an toàn…
Lực lượng quân đội giúp người dân ở Côn Đảo trước cơn bão số 16. Ảnh: Hải An.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đã chỉ đạo sơ tán trên 22.100 người tránh bão Tembin tại các huyện miền biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách. Trong đó, huyện Bình Đại là huyện có người dân phải sơ tán nhiều nhất, gần 13.400 người.

Ngoài 22.100 người cần được sơ tán, tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực. Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân đến nơi tránh trú an toàn trước 12h ngày 25/12.

Đối với các tàu thuyền, tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo ngày 25/12 tạm ngưng hoạt động đối với tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, kênh rạch,... các khu du lịch (nhất là khu du lịch ven biển, các cồn,...), khu vui chơi giải trí,... Tạm hoãn thời gian tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành lần thứ I năm 2017 để tập trung phòng tránh, ứng phó bão Tembin.

Tại TP Hồ Chí Minh, sáng sớm 25/12, ghi nhận tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã có mưa nhỏ, mưa mỗi lúc nặng hạt hơn nhưng chỉ gió nhẹ. Trước đó, tối 24/12, có khoảng 3.200 người dân trong tổng số 5.000 người dân được di dời đến các địa điểm an toàn, dự kiến sáng hôm nay, các lực lượng chức năng huyện Cần Giờ tiếp tục di dời những người dân còn lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần