Bão số 2 tiến vào Quảng Ninh, Hải Phòng với sức gió cực đại

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 2 đã tiến vào vịnh Bắc Bộ với sức gió giật cấp 13 – cấp cực đại được ghi nhận từ lúc cơn bão này xuất hiện.

Ảnh vệ tinh cho thấy bão số 2 đang tiến vào đất liền với sức gió cực đại.
Ảnh vệ tinh cho thấy bão số 2 đang tiến vào đất liền với sức gió cực đại.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa cập nhập diễn biến mới nhất về bão số 2 với nhiều thông tin rất đáng chú ý.

Bão đang ở thời điểm “sung” nhất

Cụ thể, vào hồi 22 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 120km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89 - 102km/h), giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.

Dự báo trong thời gian từ 24 – 36 giờ tới, bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h. Đến 10h ngày 23/7, bão số 2 dự kiến ở vị trí 21,5 độ Vĩ Bắc - 107,6 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng; sức gió mạnh vùng tâm bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 12.

Đến 23 giờ ngày 23/7, bão số 2 ở vị trí 22,0 độ Vĩ Bắc - 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt – Trung. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến 10 giờ ngày 24/7, bão số 2 suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực vùng núi phía Bắc, sức gió mạnh cấp 6.

Do ảnh hưởng của bão số 2, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6 - 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 13, biển động rất mạnh. Độ cao sóng 2,5 - 4,5m, vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Ninh-Vào chiều 23/7, khu vực vùng biển Hải Phòng sóng biển cao 2 -3m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định có triều cường cao.

Thuỷ triều cao kết hợp với nước dâng do bão, mực nước tại Hòn Dấu cao từ 3,8 - 4,0m, tại Cửa Ông từ 4,6 - 4,8m, kèm theo sóng lớn có thể gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông tại khu vực.

Trên đất liền, trong đêm 22/7, khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10 - 11; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 5 - 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8 - 9.

Từ đêm 22/7 đến ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến tại khu vực phía Đông Bắc Bộ từ 100 - 200mm, có nơi trên 300mm; tại khu vực phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 50 - 100mm, có nơi trên 200mm.

Các tàu, thuyền đã được đưa vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão số 2 tiến vào Vịnh Bắc Bộ (Ảnh: Báo Quảng Ninh).
Các tàu, thuyền đã được đưa vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão số 2 tiến vào Vịnh Bắc Bộ (Ảnh: Báo Quảng Ninh).

Các địa phương sẵn sàng “nghênh” bão

Trước diễn biến bất thường của bão số 2, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão đã chủ động, khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Tại tỉnh Quảng Ninh, từ chiều 22/7, lãnh đạo TP Hạ Long và huyện Đầm Hà đã đi kiểm tra một số khu vực trên địa bàn để chủ động, kịp thời triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão số 2 và mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Còn tại hai huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô, để động ứng phó bão số 2, lãnh đạo hai địa phương đã hông báo cho các chủ tàu, thuyền, ngư dân hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm. Thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão, chủ động gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản…

Các xã, thị trấn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, sẵn sàng ứng phó bão, thông báo dừng hoạt động các bãi tắm trên địa bàn, hướng dẫn, kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho khách lưu trú…

Tương tự, tại TP Hải Phòng, chiều 22/7, lãnh đạo TP đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bão số 2. Lãnh đạo TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bão; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão gây ra.

UBND các quận, huyện được yêu cầu căn cứ tình hình, diễn biến của bão, rà soát, chủ động thực hiện phương án sơ tán Nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu; bảo đảm an toàn, ổn định cho người dân được sơ tán…

 

Do ảnh hưởng của bão số 2, đến 17 giờ ngày 22/7, có 3.885 khách mắc kẹt tại Cát Bà chưa thể về đất liền, trong đó có 435 khách quốc tế. UBND huyện Cát Hải yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện xây dựng phương gian có bão; đồng thời hỗ trợ, giảm giá tối đa các dịch vụ cho khách, khuyến khích giảm giá 50% dịch vụ phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong trường hợp khách du lịch bị mắc kẹt bất khả kháng không kịp về đất liền do ảnh hưởng của bão số 2.