70 năm giải phóng Thủ đô

Bão số 3: hồi chuông cảnh tỉnh ngành giao thông

Huyền Sâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trải qua sự tàn phá ghê gớm của bão số 3, thực tế cho thấy kết cấu hạ tầng giao thông ở nhiều nơi cần được nâng cấp, tăng cường sức chống chịu với diễn biến ngày càng cực đoan của thiên tai.

Thiệt hại vô cùng nặng nề

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại các cảng hàng không, cảng biển đã hoạt động trở lại bình thường. Trong ngày 15/9, các tuyến đường sắt phía Bắc cũng hoàn thành việc thông đường.

Thiệt hại về lĩnh vực đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa ra các tỉnh phía Bắc có 4.177 vị trí ngập nước, hư hỏng công trình báo hiệu đường bộ, trạm thu phí, cầu phao. Trong đó, 3.924 vị trí bị thiệt hại, hư hỏng do sạt lở đất, sụt nền, đứt đường; 253 vị trí mặt đường bị ngập nước do mưa, lũ, nước dâng.

Mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường.
Mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường.

Về cầu, ảnh hưởng bão đã làm sập đổ 2 nhịp cầu Phong Châu; tạm dừng khai thác 4 cầu khác trên quốc lộ để bảo đảm an toàn trong điều kiện nước sông dâng cao, chảy xiết; dừng khai thác 3/4 bến phà trên quốc lộ tại Nam Định, Thái Bình; hư hỏng 1 cầu phao tại Nam Định.

Do ảnh hưởng của mưa bão, có 820 vị trí trên quốc lộ bị ách tắc, trong đó 555/567 vị trí tắc do sạt lở, hư hỏng công trình, hiện đã khắc phục, còn lại 12 vị trí gồm: Lào Cai (3), Bắc Cạn (3), Tuyên Quang (2), các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Nam Định (1); 246/253 vị trí tắc đường do ngập nước đã khắc phục, còn 7 vị trí nước ngập sâu, gồm: Hà Nam (3), Thanh Hóa (2), Phú Thọ và Ninh Bình (1).

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nội Bài – Lào Cai bị ngập một số đoạn phải tạm dừng khai thác để sửa chữa hoặc phân luồng phương tiện tạm thời.

Phương tiện xếp hàng dài qua đoạn ngập úng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Phương tiện xếp hàng dài qua đoạn ngập úng trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Ngành Giao thông vận tải ước tính khối lượng hót sụt và khôi phục nền đường hàng trăm nghìn m3 đất, đá và sửa chữa hàng trăm nghìn m2 mặt đường để khôi phục giao thông. Ngoài ra, cần sửa chữa các công trình báo hiệu đường bộ, trạm thu phí, cầu phao, công trình cầu, cống khác. Ước tính cần khoảng 2.900 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường bộ, bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới.

Ngoài đường bộ, một số lĩnh vực khác của ngành giao thông cũng chịu thiệt hại nặng như lĩnh vực đường thủy nội địa. Hiện nay, 851/918 cảng bến chưa thể hoạt động trở lại. Dự kiến, giao thông thủy sẽ trở lại bình thường sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ và khắc phục các thiệt hại tại cảng, bến.

Cần nâng chuẩn hạ tầng

Nhằm tiếp tục khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra, Bộ GTVT cho biết đang quyết liệt triển khai triển khai máy móc, phương tiện và nhân lực để phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân vùng lũ, bảo đảm giao thông kết nối các vùng dân cư và các trục giao thông chính.

Các đơn vị duy tu, quản lý đường bộ, đường sắt thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm; tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) có sức tàn phá nặng nề đã gây xuống cấp nhiều công trình giao thông. Cùng với sự cố sập cầu Phong Châu và việc xuống cấp của các công trình hạ tầng giao thông sau mưa lũ, ngành giao thông cần khẩn trương kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông, đặc biệt là cầu yếu, xây dựng lâu năm, xây bằng công nghệ cũ.

Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, xói lở tại những vị trí trụ cầu.

Trước đó, trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh, cầu Phong Châu là tuyến giao thông huyết mạch không chỉ cho Phú Thọ mà cho cả các tỉnh xung quanh. Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu sẽ phải triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan góp ý, cần lên kế hoạch nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cao tốc theo mực nước lũ của năm 2024 nhằm tránh tình trạng ngập lụt gây đứt gãy giao thông nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan trong những năm tới.

Bộ GTVT cho biết, bên cạnh việc nỗ lực khắc phục hạ tầng giao thông do thiệt hại sau mưa bão, toàn ngành cũng tích cực hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt thông qua việc vận động ủng hộ; các đơn vị vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không đều tham gia vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ; các trạm BOT miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ cho xe chở hàng cứu trợ. Tất cả vì mục tiêu thông đường, mang hàng hóa nhanh nhất đến đồng bào vùng lũ phía Bắc.