Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 3 suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Bộ mưa rất to

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối và đêm qua (2/8) bão số 3 đã đi vào khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh và suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới.

 Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới sáng 3/8

Bão số 3 suy yếu nhanh chóng

Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, tại trạm Móng Cái (Quảng Ninh) đã đo được gió mạnh 17m/s (cấp 7), gió giật mạnh 23 m/s (cấp 9), ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng đã có gió giật cấp 6-8. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Móng Cái 209mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 143mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 165mm,…

Vào hồi 4h ngày 3/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ.

Từ nay đến ngày 4/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).

Khu vực Hà Nội ngày và đêm nay (3/8) có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Hiện nay, trên khu vực tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái đang có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được trong 2 giờ qua (từ 3 giờ đến 5 giờ ngày 3/8) tại trạm Tân Xuân (Vân Hồ, Sơn La) 43mm, Háng Lìa (Điện Biên Đông , Điện Biên) 28mm,...

Bão số 3 suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới, các tỉnh Bắc Bộ mưa rất to - Ảnh 2
Đêm 2/8, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) ngập sâu trong nước. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Cảnh báo: Trong khoảng 6 giờ tới, khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tiếp tục có mưa với tổng lượng mưa dự báo đạt 10 - 20mm, có nơi trên 50mm. Khu vực tỉnh Lào Cai, Yên Bái tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 20 - 30mm, có nơi trên 60mm.
Trong 6 giờ tới, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.
Đặc biệt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại: Tỉnh Lai Châu: Huyện Mường Tè, Tân Uyên, Tam Đường, Than Uyên; tỉnh Điện Biên: Huyện, Điện Biên, Mường Ảng, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, TP Điện Biên Phủ; tỉnh Sơn La: huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Vân Hồ, Sông Mã, Sốp Cộp; tỉnh Lào Cai: huyện Văn Bàn, Sa Pa; tỉnh Yên Bái: Huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện: Tỉnh Lai Châu: Huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ; tỉnh Điện Biên: Huyện Tủa Chùa, thị xã Mường Lay, Mường Nhé, Mường Chà; tỉnh Sơn La: Huyện Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn; tỉnh Lào Cai: Huyện Bảo Yên, Bát Xát; tỉnh Yên Bái: huyện Mù Căng Chải, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ.
 Cây đổ trên đường khi bão số 3 đổ bộ vào TP Móng Cái. Ảnh: Infonet

Móng Cái mưa lớn, cây đổ ngổn ngang

Tại nơi đầu tiên cơn bão số 3 "ghé" vào là TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Ghi nhận của PV báo Infonet, từ 19h thời tiết Móng Cái bắt đầu có mưa, gió thổi mạnh. Đến khoảng 20h, mưa bắt đầu to dần.

Đến 23h, một số tuyến đường tại trung tâm TP bắt đầu ngập nước, cây trên đường đổ nghiêng ngả.

Theo thống kê của chính quyền TP, Móng Cái hiện có 1.295 tàu thuyền khai thác thủy sản; tất cả đã về nơi neo đậu an toàn. Trên sông Ka Long, Bắc Luân có khoảng 300 chiếc đò đã được chằng chống và neo đậu tại bến; số còn lại đã về nơi neo đậu an toàn; toàn bộ người trên tàu đò đã được di chuyển lên bờ. Bên cạnh đó toàn bộ 185 lồng bè, chòi nuôi trồng thủy sản đã được gia cố an toàn và không còn người ở lại trên bè, chòi nuôi trồng thủy sản.

Trên địa bàn TP Móng Cái có 808 nhà yếu, nhà tạm/2572 khẩu cần di dời khi có thiên tai xảy ra (qua kiểm tra UBND các xã, phường đã thông báo cho các hộ dân và đã có phương án di dời cụ thể). Các công trình xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng cũng đã được địa phương lên phương án ứng phó cụ thể sát với tình hình thực tiễn.

Bão chưa vào, Thanh Hóa đã có thiệt hại về người

Tối 2/8, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, những ngày qua nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra mưa lớn, dông lốc.

Cụ thể, chiều 31/7 huyện biên giới Mường Lát xảy ra mưa lớn dẫn đến sạt lở đất. Hậu quả, anh Vàng A Lâu (33 tuổi, thôn Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) tử vong.

Tại huyện Quan Hóa, chiều 1/8, lốc kèm mưa lớn đã khiến 18 nhà dân, một điểm trường mầm non xã Phú Sơn hư hỏng và 5,3 ha cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn. Còn tại huyện Quan Sơn, mưa lớn kèm gió lốc khiến 16 nhà dân bị thiệt hại.

Ngay sau đó chính quyền các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.

Tính đến 14h ngày 2/8 tỉnh Thanh Hóa đã có 7.293 phương tiện với 25.568 lao động vào nơi tránh trú an toàn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác chống bão số 3 tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long). Ảnh: Báo Quảng Ninh

Phó Thủ tướng kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh

Chiều 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại Quảng Ninh.

Tại buổi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tại khu vực neo đậu tránh trú bão Ba Lan (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) hiện đang có 72 tàu du lịch trú bão; khai trường khai thác than mỏ Hà Tu và khu vực neo đậu tàu, thuyền của người dân làng chài Hà Phong.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, bão số 3 di chuyển chậm, là cơn bão mạnh, mức độ tàn phá khi đi qua sẽ rất lớn, do đó không được chủ quan, lơ là. Bên cạnh công tác chuẩn bị phòng, chống tốt, rất cần phải cập nhật thường xuyên tình hình, diễn biến của bão; cần chuẩn bị kỹ phương châm 4 tại chỗ, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời; đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết.

Đặc biệt, sau bão sẽ là ảnh hưởng từ hoàn lưu, gây mưa lớn, do vậy mọi phương án ứng phó phải được chủ động. Quảng Ninh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, thực hiện giám sát các tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn, không để ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn...
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần quan tâm, có phương án đảm bảo an toàn cho du khách, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; quan tâm đến đời sống bà con ngư dân... Đối với các mỏ khai thác trên địa bàn, cần có phương án cụ thể để phòng, chống mưa bão, ngập lụt, sạt lở hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản cho người dân.
Quảng Ninh: Gần 9.000 tàu, thuyền đã về nơi tránh trú an toàn
Hiện gần 9.000 tàu, thuyền hoạt động tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn, trên 10.000 ô lồng nuôi thủy sản đã được các chủ lồng chằng chống, gia cố.
Tàu, thuyền của người dân làng chài Hà Phong về bến neo đậu tránh bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Đối với công tác di dân, 2 hộ dân có nhà yếu, nhà tạm tại TP Cẩm Phả và huyện Hải Hà đã được di chuyển sang nhà kiên cố; trên 16.000 ngư dân trên các tàu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đã được yêu cầu lên bờ. Các tuyến đê, kè được kiểm tra, gia cố tại những khu vực xung yếu; công tác thông tin tuyên truyền đến người dân được tăng cường, liên tục...
Riêng ngành Than, trong năm qua đã tiến hành di dời 558 hộ dân, trong đó khu vực liền kề mỏ Hà Tu có 25 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở; nạo vét các kênh mương thoát nước, kiểm tra, gia cố khu vực bãi thải, tạo hồ lắng. Đối với hệ thống hầm lò đã tiến hành tổng rà soát, kiểm tra hệ thống an toàn lò và bơm thoát nước.
Về khách du lịch trên các tuyến đảo, hiện còn 311 khách nhu cầu ở lại, trong đó có 4 khách nước ngoài. Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị phương án ăn, nghỉ và đảm bảo an toàn cho du khách.