70 năm giải phóng Thủ đô

Bão số 4 giật cấp 11, cách Quảng Trị khoảng 120km, nhiều địa phương mưa lớn

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật thông tin về tình hình bão số 4.

Hồi 9 giờ sáng 19/9, vị trí tâm bão khoảng 17.4 độ Vĩ Bắc; 108.2 độ Kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 90km về phía Đông; cách Quảng Trị khoảng 120km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 11. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h.

Dự báo đường đi của bão số 4. Ảnh: KTTVQG
Dự báo đường đi của bão số 4. Ảnh: KTTVQG

Tại Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Đồng Hới (Quảng Bình) có gió giật mạnh cấp 7.

Đêm qua đến sáng nay ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to: Hòa Bắc (Đà Nẵng) 152mm; Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 270mm, Hương Phú (Thừa Thiên Huế) 249mm; Đrăkrông (Quảng Trị) 112 mm...

Lực lượng chức năng huyện miền núi Đakrông đảm bảo an toàn các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập do ảnh hưởng bão số 4 - Ảnh: L.T/báo Quảng Trị
Lực lượng chức năng huyện miền núi Đakrông đảm bảo an toàn các tuyến đường, ngầm tràn bị ngập do ảnh hưởng bão số 4 - Ảnh: L.T/báo Quảng Trị

Hồi 7 giờ ngày 19/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách Quảng Bình-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h.

Bão số 4 giật cấp 11, cách Quảng Trị khoảng 120km, nhiều địa phương mưa lớn - Ảnh 1

Trên biển

Trong sáng ngày 19/9, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, ở khu vực biển từ Bình Định đến Cà Mau, phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Biển động mạnh. Khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Sóng cao từ 2-3m5. Biển động.

Ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,3-0,5m, kết hợp với triều cao và sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp vào chiều tối ngày 19/9.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn, triều cao và nước dâng do bão.

Trên đất liền

Từ sáng ngày 19/9, vùng đất liền ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10 (89-102km/h); sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Đề phòng xuất hiện các ổ mây dông mạnh phía trước hoàn lưu bão. Trong điều kiện thời tiết xảy ra mưa dông mạnh, hệ quả đi kèm với nó là cây xanh gãy đổ, các mái tôn, biển hiệu quảng cáo có thể bị thổi bay trong không khí.

Mưa lớn tại nhiều địa phương

Trong đêm qua và sáng nay (19/9), ở khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 18/9 đến 08 giờ ngày 19/9 có nơi trên 150mm như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 293.2 mm, Hòa Bắc (tp Đà Nẵng) 158mm,….

Từ ngày 19/9 đến đêm 20/9: khu vực từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa to đến rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi trên 500mm.

Khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 80-170mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Ngày và đêm 19/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Từ ngày 19/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Đề phòng mưa cường suất lớn (>150mm/6 giờ) ở khu vực từ Quảng Trị-Đà Nẵng trong ngày 19/9.

Ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Ngoài ra, trong ngày và đêm 19/9 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo: từ ngày 21/9, mưa lớn trên các khu vực giảm dần. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: cấp 1; khu vực từ Hà Tĩnh-Quảng Nam cấp 2.

Mưa lớn dẫn đến tình trạng ngập lụt cho các khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư do nước không kịp thoát. Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Báo Quảng Trị thông tin, sáng nay 19/9, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc sở; Trường Phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị; Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, cơ sở dạy thêm, học thêm chủ động các biện pháp ứng phó bão số 4.

Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu, tùy theo tình hình diễn biến của bão số 4 ở từng địa bàn, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động cho học sinh nghỉ học; hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách; đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên làm nhiệm vụ và học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 THPT năm học 2024-2025 đến khi kết thúc đợt thiên tai nguy hiểm. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 4 để chủ động triển khai các phương án phòng, chống bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Trị, sáng nay 19/9, học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ bắt đầu nghỉ học; các địa phương vùng núi Đakrông, Hướng Hóa tùy tình hình một số địa bàn đang ổn định nên học sinh tiếp tục học hết sáng nay và bắt đầu nghỉ học từ chiều nay 19/9.

Đối với các địa phương còn lại, các trường, đơn vị trường học rà soát, theo dõi diễn biến bão và mưa lớn, tại khu vực thấp trũng các huyện Hải Lăng, Triệu Phong chủ động cho học sinh nghỉ học. Riêng tại TP. Đông Hà, vào đầu giờ sáng nay, một số trường đã chủ động cho học sinh nghỉ học.

Song song đó, các đơn vị trường học chủ động rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng học, phòng chức năng, mái che, hệ thống thoát nước... để đảm bảo an toàn trước mưa bão. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán, di dời học sinh, giáo viên, tài liệu và thiết bị giảng dạy đến nơi an toàn.

Chiều 18/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đi kiểm tra công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão tại cảng cá Cửa Việt và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Nam Cửa Việt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm này toàn bộ tàu 2.270 tàu thuyền của tỉnh với hơn 5.970 thuyền viên đã vào neo đậu an toàn tại các bến. Cụ thể, neo đậu tại tỉnh 2.265 chiếc/5.929 thuyền viên; tại tỉnh Phú Yên 1 chiếc/9 thuyền viên; tại tỉnh Ninh Thuận 3 chiếc/26 thuyền viên; tại tỉnh Quảng Bình 1 chiếc/7 thuyền viên.

Tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn tỉnh là 72 chiếc/513 thuyền viên. Cụ thể, tàu cá 56 chiếc/381 thuyền viên. Tàu chở hàng 12 chiếc/117 thuyền viên. Tàu đường thủy nội địa 4 chiếc/15 thuyền viên.

Thông qua trạm bờ, hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản đã thông báo kịp thời đến các thuyền trưởng đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển biết được thông tin và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để kịp thời có phương án tránh trú an toàn. Hướng dẫn các chủ tàu, truyền trưởng khẩn trương chuẩn bị đầy đủ số lượng đệm va để sử dụng khi neo đậu gần nhau trong khu neo đậu tránh trú bão; sắp xếp các tàu cá có cùng kích cỡ khi neo đậu gần nhau; tổ chức gia cố tàu thuyền tại khu neo đậu, sử dụng dây neo, dây chéo mũi, dây chéo lái, đệm va khi neo đậu để hạn chế tối đa các tàu cá va đập vào nhau gây hư hỏng....

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục kiểm đếm, quản lý chặt chẽ, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền hợp lý, đảm bảo an toàn cho tàu cá. Rà soát, vận hành khoa học, đảm bảo an toàn công trình, hồ đập thủy lợi. Hoàn thiện phương án ứng phó với sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở vùng cao; ngập lụt ở vùng thấp trũng.

Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra, cần thiết có thể dùng biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân; bố trí lực lượng để bảo về tài sản của những hộ đã di dời. Tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ, bố trí vật tư, phương tiện tại các địa bàn trọng điểm, khu vực xung yếu để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú hiện đã có hơn 500 tàu cá của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh khác đến neo đậu tránh trú ATNĐ. Ảnh: báo Quảng Bình
Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú hiện đã có hơn 500 tàu cá của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh khác đến neo đậu tránh trú ATNĐ. Ảnh: báo Quảng Bình

Theo báo Quảng Bình, ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về việc khẩn trương ứng phó với bão số 4 và mưa lớn. Tại tỉnh Quảng Bình, từ ngày 17 đến sáng 18/9 trên địa bàn tỉnh có mưa, lượng mưa đo được từ 74mm-106mm. Đến 7 giờ ngày 18/9, toàn tỉnh có 51 phương tiện/327 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể, tại vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ có 43 tàu/278 lao động (dự kiến chiều 18/9 các tàu sẽ vào bờ tránh trú ATNĐ); vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 8 phương tiện/40 lao động (đang neo đậu ở tránh gió ở trước cửa Tĩnh Kỳ/Quảng Ngãi, chưa làm thủ tục nhập cửa). Các phương tiện đang di chuyển vào bờ tránh trú. Hiện, mực nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 28% dung tích thiết kế.

Để chủ động ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện; theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của ATNĐ và hình thế gây mưa để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; kiểm tra, rà soát triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, vị trí sạt lở ven biển, nhất là các tuyến đê, kè xung yếu trực diện biển, đã xảy ra sự cố hoặc đang thi công, khu vực bờ biển đang sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh; chặt tỉa cành cây trong hành lang lưới điện, thông tin liên lạc; rà soát, kiểm tra các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt; các địa điểm dân cư, trạm, lán trại có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, chủ động sơ tán, di dời người dân, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn…