Bão số 4 tăng tốc gấp đôi: Chuyên gia nhận định về "hình thái vô cùng đặc biệt" của bão

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ thời điểm hình thành trên Biển Đông, bão số 4 (Bebinca) liên tục tăng tốc độ. Hiện, bão tiến nhanh vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, mỗi giờ đi được 15 - 20km và dự báo sẽ giật cấp 11.

Vị trí và đường đi hiện tại của bão (ảnh trái) và thời điểm khi mới hình thành
Bão số 4 sẽ mang vào lượng mưa khá lớn
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, trong 3 giờ vừa qua, bão số 4 đã mạnh thêm, ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh 25m/s (cấp 10), giật 32m/s (cấp 11).

Hồi 10h sáng 16/8, vị trí tâm bão ở ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180km, cách Nam Định 180km, cách Vinh 290km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km, từ đêm nay (16/8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đến 10h ngày 17/8, vị trí tâm bão ở ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão, từ tối nay trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11.

Từ hôm nay (16/8) đến ngày 18/8 ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250 - 350mm/đợt), trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400 - 500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200 - 300mm/đợt).

Cũng theo dự báo từ hôm nay đến ngày 18/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2 - 4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3 - 7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi và sông Mã có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3, riêng sông Bưởi lên mức báo động 3 và trên báo động 3; thượng lưu sông Thái Bình ở mức báo động 1.
Các phương tiện thủy đánh bắt, khai thác thủy sản đã về neo đậu tại Khu neo đậu xã Tiên Lãng, huyên Tiên Yên, Quảng Ninh
Các tỉnh Bắc Bộ liên tục hứng chịu những đợt mưa lớn

Như vậy, từ một vùng áp thấp xuất hiện vào tuần trước, bão số 4 được hình thành ngay trong Biển Đông ngày 13/8. Ban đầu, vùng áp thấp đi qua vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa, di chuyển lên phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới, sau thành bão Bebinca.

Lúc đầu mới hình thành, bão số 4 di chuyển chậm (mỗi giờ đi được 5km), sau tăng lên từ 5 - 10km (chiều tối 15/8), đến thời điểm hiện tại đã tăng 15 - 20km mỗi giờ.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên & Môi trường) nhận định, bão số 4 có "hình thái vô cùng đặc biệt". Bởi hầu hết các cơn bão đều di chuyển từ phía Đông sang Tây nhưng bão số 4 lại đi từ phía Tây sang Đông, thậm chí có lúc còn đi về phía Đông Nam. Có thời điểm cơn bão lại đi lòng vòng tạo thành nút thắt và quay hướng về đảo Lôi Châu (Trung Quốc).

Nguyên nhân của hiện tượng trên, theo ông Hải lý giải: Hầu hết cơn bão được hình thành trong dải hội tụ nhiệt đới. Trong dải hội tụ nhiệt đới, phía trên là cao cận nhiệt đới, hình thành gió Tín phong và phía dưới là gió mùa Tây Nam.

Nếu gió Tín phong và gió mùa Tây Nam thổi cân bằng, cơn bão sẽ đi theo quỹ đạo parabol. Tuy nhiên, khi áp cao cận nhiệt đới, tức gió Tín phong hoạt động yếu và không có, các cơn bão sẽ bị gió mùa Tây Nam đẩy lên phía Bắc, đấy là trường hợp của bão số 4.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn đánh giá, bão số 4 sẽ mang theo một lượng mưa khá lớn. Dự báo, từ đêm 15/8 đến hết 17/8, Bắc Bộ sẽ có mưa to, lượng mưa phổ biến 300 - 400mm, cá biệt có nơi 500 - 600mm.

Điều này rất nguy hiểm, do trong khoảng thời gian qua, Bắc Bộ liên tục hứng chịu những đợt mưa lớn. Các hồ chứa, sông suối đã tích đầy nước, đất đá tại các vùng núi cũng ngậm no nước. Nếu phải tiếp nhận thêm 1 đợt mưa lớn, kéo dài nữa thì nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở các vùng núi; ngập úng tại các vũng trũng, thấp, đô thị là đặc biệt cao và nguy hiểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần