Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 5 càn quét Bình Định - Phú Yên, 4 tàu hàng tuột neo trên vịnh Quy Nhơn

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 5 đổ bộ vào Bình Định - Phú Yên gây mưa to, gió giật mạnh, khiến hầu hết các địa phương trong tỉnh mất điện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ngay trong đêm đã có mặt tại cảng Quy Nhơn để chỉ đạo xử lý các tàu hàng bị tuột, đứt dây neo trong bão.

Đường đi của bão số 5

Bão giật cấp 11 mang theo lượng mưa rất lớn

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, vào khoảng 23h30 ngày 30/10, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Bình Định - Phú Yên.

Ở An Nhơn (Bình Định) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Quy Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Hoài Nhơn (Bình Định) gió giật cấp 9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 9, ở Quảng Ngãi gió giật cấp 7; Gia Lai có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.

Cùng với đó, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong khoảng 18 giờ qua phổ biến 200 - 250mm.

Về hướng dịch chuyển của bão, hồi 1h ngày 31/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bình Định - Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đến 10h ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên lãnh thổ Campuchia.

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra cảnh báo, trong ngày hôm nay, ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Ninh Thuận có mưa vừa, có nơi mưa to (tổng lượng mưa 40 - 70mm/24 giờ); khu vực phía Bắc Tây Nguyên và Khánh Hòa có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 80 - 150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm); ở các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to (tổng lượng mưa 100 - 200mm/24 giờ, có nơi trên 200mm/24 giờ).

Từ hôm nay đến 2/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nơi 300 - 500mm/đợt).

Xử lý sự cố tàu hàng bị tuột dây neo ở cảng Quy Nhơn. Ảnh: Tấn Lộc/PLO.

Bình Định: 4 tàu tuột neo khi bão đổ bộ

Thông tin tới báo chí ngay sau khi bão đổ bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Trần Châu cho biết, bão số 5 càn quét với sức gió rất mạnh kèm mưa lớn. Trụ điện, cây xanh nhiều nơi bị ngã đổ, nhiều nhất tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn… Cùng với đó giao thông cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện phần lớn các địa phương trong tỉnh đã bị mất điện.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hiện ông đang có mặt tại cảng Quy Nhơn để chỉ đạo xử lý các tàu hàng bị tuột, đứt dây neo trong bão.

Cụ thể, tại vịnh Quy Nhơn có 4 tàu hàng (tổng cộng 48 người trên các tàu) đang bị trôi neo khi bão đổ bộ, gồm: Tàu Long Châu (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 5 người), bị trôi neo, va chạm vào bến phao dầu An Phú (trong phao dầu An Phú có khoảng 300 tấn dầu);

Tàu Hòa Bình 45 (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 16 người) đang trôi neo trước thủy điện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn; Tàu Trường Thành 26 (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 8 người) đang trôi neo trước thủy điện cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn; Tàu VSG PRIDE (quốc tịch Panama, trên tàu có 19 người), bị trôi neo, mắc cạn vào mũi Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).

Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã có công khẩn báo cáo, đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo phương tiện hỗ trợ khẩn cấp.

Cây cối ở TP Quy Nhơn bị đổ vào tối 30/10. Ảnh: Thanh Hải/VTC.

Phú Yên: Nhiều địa phương mất điện

Trong khi đó tại Phú Yên, thống kê ban đầu cho thấy: Tại huyện Đồng Xuân, hầu hết các xã đã bị mất điện. Trên địa bàn có mưa rất lớn. Các xã đã tiến hành di dời được 194 hộ với 418 người đến các trụ sở thôn, xã và nhà người thân trên cao.

TX Sông Cầu gió giật mạnh kèm mưa lớn khiến nhiều tuyến đường đi lại khó khăn do cây đổ chắn ngang. Ông Đào Mỹ - Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết có 6 xã bị mất điện. Hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Lực lượng chức năng đã điều canô ra cưỡng chế, đưa hơn 3.000 người nuôi tôm, cá trong lồng bè trên biển vào bờ tránh bão, sơ tán hơn 830 hộ với gần 3.000 người ở các vùng nguy hiểm.

Ở huyện Tây Hòa, lán trại Công ty Hoàng Minh (thuộc tập đoàn Sơn Hải) bị tốc mái, có khoảng 30 người dời ra Nhà văn hoá xã Hòa Thịnh. Cả xã Hòa Thịnh và thôn Phú Thọ (xã Hòa Mỹ Đông) đã bị mất điện do bị bão.

Công ty Điện lực Phú Yên thông tin thêm, các khu vực mất điện do ảnh hưởng bão, gồm: TT Hòa Vinh, TT Hòa Hiệp Trung, KCN Hòa Hiệp, xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Nam, Hòa Tâm, Hòa Thành, Hòa Hiệp Bắc, (huyện Đông Hòa); KCN Sông Cầu, các xã, phường Xuân Lộc, Xuân Hải, Xuân Bình, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Thọ 1, Xuân Thọ 2, Xuân Lâm, hầm Cù Mông (TX Sông Cầu); các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa); Viba Chóp Chài - TP Tuy Hòa; các xã An Hiệp, An Hòa, An Cư, An Mỹ, An Hải, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh (huyện Tuy An)...

Cảnh báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa

Hiện nay, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai đã có mưa to đến rất to. Mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa đang lên, các sông khác ở Tây Nguyên biến đổi chậm.

Người dân trú bão tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Cảnh báo, từ đêm nay (30/10), trên các sông từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, bắc Phú Yên, bắc Khánh Hòa lên mức báo động (BĐ)2 - BĐ3, có sông trên BĐ3; trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, nam Phú Yên, nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1 - BĐ2, có sông trên BĐ2.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế; Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang của tỉnh Quảng Nam; Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi; An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh của tỉnh Bình Định; Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh của tỉnh Phú Yên; Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn của tỉnh Khánh Hòa; Đắk Glei, Kon Plông, Đắk Tô, Sa Thầy, Ia H' Drai của tỉnh Kon Tum; Ia Grai, Chư Prông, Krông Pa, Đắk Đoa, Kbang của tỉnh Gia Lai; M'Đrắk, Ea Súp, Ea H'leo, Cư M'gar của tỉnh Đắk Lắk.

Nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, đặc biệt là các huyện: Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình, Tiên Phước, TP Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam; Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TP Quảng Ngãi của tỉnh Quảng Ngãi; An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Vân Canh, TP Quy Nhơn của tỉnh Bình Định; Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa, TP Tuy Hòa của tỉnh Phú Yên; Vạn Ninh, Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất: Cấp 2.