Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của một cựu chiến binh tại quận Tây Hồ: Nơi nhớ về năm tháng “mưa bom, bão đạn”

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tháng ngày kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2019) và 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), người dân cả nước lại tìm về các địa chỉ đỏ để tri ân, tưởng nhớ thế hệ đi trước đã ngã xuống bảo vệ độc lập, tự do Tổ quốc.

Bảo tàng “Chứng tích chiến tranh” của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) là một trong những địa điểm được nhiều người tìm đến.
Tri ân bộ đội cụ Hồ
Từ cổng bảo tàng, dòng chữ “Bảo tàng chứng tích chiến tranh - Những hình ảnh và kỷ vật kháng chiến sống mãi cùng thời gian - Nơi đồng đội trở về” lại hiện lên quen thuộc dưới những lá cờ đỏ sao vàng. Bên trái cổng bảo tàng là một không gian nhỏ có ảnh Bác Hồ, hình ảnh về đảo Trường Sa. “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” thu nhỏ được thành lập vào ngày 22/12/2011 (kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam). Đây là nơi lưu giữ hơn 3.000 hiện vật do chính ông Nguyễn Mạnh Hiệp sưu tầm trong hàng chục năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp kể những câu chuyện về những năm tháng chiến tranh qua hiện vật tại Bảo tàng. Ảnh: Lại Tấn
Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi và học hết lớp 9, dù thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự (vì có người anh ruột hy sinh) nhưng với khí thế tuổi trẻ, Nguyễn Mạnh Hiệp vẫn quyết tâm nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 420 - Sư đoàn 320B. Sau 3 tháng huấn luyện, ông nhận được lệnh đi B với nhiệm vụ trinh sát bảo vệ cho Quân khu Trị Thiên.
Nhớ lại trận chiến “tuyết rơi trên đỉnh núi” năm 1968 (cuộc càn quét của 13 tiểu đoàn Mỹ tại đồn Abia - còn gọi là đồi Thịt băm), ông Nguyễn Mạnh Hiệp cho biết: “Đối với những người lính từng chiến đấu tại mặt trận Quân khu Trị Thiên đó là những ngày tháng không thể nào quên. Sư đoàn 320B của tôi và Sư đoàn 324 rất nhiều người đã hy sinh ở đó. Người may mắn thì còn sống, còn đa phần đều không tìm thấy tung tích”.

"Đời người ngắn ngủi quá. Và tôi cũng đã ngả bóng hoàng hôn rồi, càng phải làm gấp những điều muốn làm để tri ân với đồng đội. Những kỷ vật tôi sưu tầm trong suốt 20 năm qua như những đốm lửa về cuộc chiến đã qua nay tôi muốn trao gửi cho thế hệ kế cận để thực hiện tâm nguyện của cả đời này." - Ông Nguyễn Mạnh Hiệp - người dành gần 30 sưu tầm, xây dựng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Cũng chính vì điều này nên ông Nguyễn Mạnh Hiệp luôn có ước mơ lưu giữ lại những kỷ vật gắn liền với cuộc chiến đấu của đơn vị ông nói riêng và kỷ vật gắn liền với kháng chiến chống Mỹ nói chung như một cách để ông và những người còn sống thực hiện lời hứa năm xưa, để ông có thể tưởng nhớ và tri ân đồng đội cũ.
Những kỷ vật quý và nỗi lo mai một
Hiện bảo tàng của ông Hiệp đang lưu giữ hàng ngàn kỷ vật đáng quý như: Áo chiến đấu của phi công Mỹ, máy bộ đàm, dụng cụ tra tấn, điện thoại, các loại bom và đặc biệt là Bản đồ tác chiến cùng A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Trong số 5 tủ đang được trưng bày tại bảo tàng của mình, ông Hiệp dành riêng 2 tủ để trưng bày những vật dụng của Bộ đội Việt Nam và quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.
Bên tủ của Bộ đội Việt Nam đó là những chiếc ba lô, dép cao su, ca uống nước, quần áo, dây lưng… còn tủ của quân đội Mỹ, ngoài những vật dụng cá nhân đó còn có thêm các loại tên lửa vác vai H10, H12, A72 và dù nhảy của phi công dài 18 m, máy thông tin 15 W, máy thông tin 2 W dành cho tiểu đoàn...
Một số hiện vật tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự
Bên cạnh việc sưu tập những kỷ vật của đồng đội, tại bảo tàng của ông còn lưu giữ nhiều hình ảnh quý như: Ảnh kéo cờ giải phóng lên cột cờ Phú Văn Lâu lúc 10 giờ 30 phút ngày 25/3/1975 (đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên - Huế hoàn toàn giải phóng), ảnh chụp 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc; ảnh theo bước chân thần tốc của người lính quân khu Trị Thiên.
Đặc biệt, tại “Bảo tàng chứng tích chiến tranh” của ông Nguyễn Mạnh Hiệp hiện nay còn lưu giữ và trưng bày những cuốn hồi ký của những người con Quân khu Trị Thiên viết về kỷ niệm một thời chiến trận.
Dịp 30/4 và 7/5 hàng năm, bảo tàng thường đón tiếp nhiều cựu chiến binh, học sinh đến ôn lại kỷ niệm và học tập. Thế nhưng năm nay, bảo tàng của ông Nguyễn Mạnh Hiệp lại yên ắng, vóng bóng người. “Sức khỏe của ông ngày càng yếu do nhiều lần bị tai biến nặng. Năm nay, nhiều đoàn cũng ngỏ ý muốn đến thăm bảo tàng nhưng ông đều từ chối.
Bảo tàng từ lâu thiếu bàn tay chăm sóc của ông Hiệp cũng không còn được hoàn toàn như trước. Chúng tôi vẫn muốn tiếp tục đi sưu tầm, xây dựng bảo tàng nhưng ngoài 70 cả rồi, sức khỏe không còn cho phép. Bây giờ, muốn chăm sóc, phát triển bảo tàng, cho các cháu đến tham quan học tập cũng khó rồi, chắc phải nhờ thế hệ sau” - bà Liên vợ ông Hiệp bùi ngùi chia sẻ.