Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn biệt thự Pháp tại Hà Nội: Giữ hồn cốt di sản cho đô thị

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lòng Hà Nội hiện nay còn nhiều những biệt thự cổ. Dù còn nguyên hay cũ kỹ, hoặc thậm chí là xuống cấp, kiến trúc biệt thự Pháp vẫn là chứng nhân lịch sử của dòng chảy thời đại.

Khó có thể hình dung nổi, Hà Nội sẽ thế nào nếu vắng đi hình ảnh của những ngôi biệt thự cổ kính trên các con phố. Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã đưa ra các phương án nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình kiến trúc này. Gần đây nhất, công trình biệt thự Pháp (số 49 phố Trần Hưng Đạo, 46 phố Hàng Bài) được tu sửa một cách bài bản. Đây là sự quyết tâm rất lớn để gìn giữ, tạo lập bản sắc riêng của TP Hà Nội, không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn để lại cho thế hệ mai sau.

Bài 1: Sau lớp vỏ vang bóng một thời

Những ngôi biệt thự được xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội không chỉ có giá trị lớn về kinh tế, mà còn chứa đựng những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử đối với mảnh đất nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân đã phải sửa chữa, cơi nới diện tích khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nhanh chóng, các đường nét kiến trúc bị hư hại thậm chí xuống cấp, xập xệ tới mức báo động.

Biệt thự số 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn
Biệt thự số 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn

Di sản đô thị

Những kiến trúc Pháp xuất hiện ở Hà Nội đã gần 150 năm từ những ngày đầu thực dân Pháp chiếm Thành Hà Nội và quy hoạch cũng như xây dựng cho mục đích lâu dài của thuộc địa. Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến: Báo cáo tổng kết của đốc lý Baille trong nhiệm kỳ Toàn quyền Paul Doumer, năm 1897 Hà Nội có 27 biệt thự, năm 1989 là 42, đến 1900 là 55 và 1901 là 57. Cho đến hết nhiệm kỳ của Paul Doumer (1897 - 1902), khu phố Pháp đã hình thành rõ nét, trong đó có nhiều biệt thự cỡ lớn rộng hơn 1.000m2. Rộng nhất là biệt thự của Giám đốc nhà máy rượu Fontaine với gần 5.000m2, nay là Đại sứ quán Pháp. Sau khi phá xong tường thành Hà Nội vào năm 1897, nhà thầu chính hãng Bazin được cấp 90ha ở khu vực này và họ bắt đầu làm đường bán đất.

Hiện nay, kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội có thể dễ dàng bắt gặp ở mọi con phố Thủ đô với nhiều dáng vẻ, phong cách kiến trúc khác nhau. Trong đó có thể kể đến như căn biệt thự 51 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIX. Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự này là thị trưởng Hà Nội (người Pháp). Cách đó không xa là căn biệt thự hầu hết còn giữ được dáng vẻ và kiến trúc ban đầu, đó là trụ sở T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại số 64 Bà Triệu.

Bên cạnh những căn biệt thự được sử dụng làm trụ sở cho các cơ quan, trong những khu phố ở Hà Nội vẫn còn những căn biệt thự là nơi ở của người dân. Nổi tiếng có thể kể đến như biệt thự sâu trong con ngõ 44 Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Ngôi nhà gần 100 năm tuổi với nét rêu phong cổ kính này được xây dựng từ năm 1925, bởi cụ Trương Trọng Vọng - một thương gia giàu có nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Theo người dân sinh sống trong biệt thự 44 Hàng Bè, căn biệt thự này được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây miệt mài trong một năm mới hoàn thiện.

Để xây dựng được biệt thự, chủ nhân phải tính toán rất kỹ, từ hướng gió, việc chọn các loại gỗ quý, cho đến không gian, chiều cao của mỗi phòng. Chính nhờ sự độc đáo trong kiến trúc của ngôi nhà, những đường nét, thiết kế vừa cổ kính vừa hiện đại đã khiến ngôi nhà được chọn làm bối cảnh xuất hiện nhiều trên các bộ phim nổi tiếng như "Hà Nội mùa đông năm 46", "Tuổi thanh xuân", "Hương ngọc lan", "Mùa lá rụng trong vườn".

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Những kiến trúc biệt thự Pháp đó có giá trị đặc biệt. Thứ nhất là giá trị lịch sử, nó đánh dấu một quãng giai đoạn phát triển của Hà Nội. Thứ hai nó mang giá trị văn hóa, đó là sự giao thoa giữa văn hóa Đông - Tây. Chính vì thế mới tạo ra một hình thức kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội rất đặc biệt, với nhiều phong cách. Từ phong cách tân cổ điển Pháp cho đến tân cổ điển châu Âu được pha trộn với kiến trúc của Việt Nam như mái che, mái chạm trổ, hàng hiên rộng.

Các biệt thự được xây đa phần được mang nét pha trộn kiến trúc truyền thống Việt Nam cho nên nó có ý nghĩa giao thoa của hai dòng văn hóa. Trải qua thời gian biệt thự có sân vườn, tạo nên những con phố rất đẹp như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Lê Hồng Phong.

Biệt thự xuống cấp

Thực tế hiện nay, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm đang diễn ra khá phổ biến, điển hình tại các phố như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học, nhất là những biệt thự do nhiều hộ gia đình cùng sử dụng. Đơn cử, biệt thự số 65 Nguyễn Thái Học. Biệt thự này được xây dựng trước năm 1954, thuộc diện bảo tồn nhóm 2 nên người dân phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài.

Thế nhưng, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, người dân đã phân lô thành các ki-ốt kinh doanh ở mặt tiền, tự ý cơi nới công trình phụ, chỗ nấu ăn khiến cho kết cấu ngôi nhà bị thay đổi, dẫn đến sự xuống cấp ngày càng nhanh chóng hơn.

Tương tự, trong căn biệt thự cũ tại số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) cũng bị xuống cấp, vữa tường bong tróc, ngói cũng bị vỡ khiến nước ngấm vào nhà, các cánh cửa cũng mục nát, thậm chí không còn. Ngôi biệt thự này có 2 tầng, chia ra 13 phòng dành cho 13 hộ dân sinh sống, trong đó có 6 hộ dân sống ở tầng 2 và 6 hộ dân ở tầng 1, một hộ dân còn lại sống ở gầm cầu thang. Hầu hết một căn phòng ở trong ngôi biệt thự cổ này rộng 20m2.

Nhiều người dân ở đây cho biết, mặc dù biết xuống cấp nhưng họ không dám sửa vì biệt thự nào cần bảo tồn, biệt thự nào được phép cải tạo, sửa chữa lớn đều có trong danh mục theo phân nhóm. Bên cạnh đó, họ cũng không biết di dời đi đâu nên phải cố gắng ở lại ngôi biệt thự cổ đang xuống cấp trầm trọng.

Hay như, Khu tập thể Hàng Bông (đoạn ngã tư Hàng Bông giao với Phủ Doãn) có tổng diện tích khoảng 380m2. Cách đây 80 năm, nơi này từng là một khách sạn cao cấp của người Pháp xây dựng, được dùng làm chỗ nghỉ chân của các bệnh nhân giàu có thời kỳ đó. Về sau, khi đất nước mở cửa, toàn bộ khu này được chia làm hai phần, phần trên là sàn nhảy, bên dưới là hợp tác xã. Nhà nhỏ, cũ, chật hẹp, xuống cấp… nhưng mỗi gia đình ở đây có tới 4 - 5 người sinh sống, có nhà 3 thế hệ cùng ở chung và tất cả đều sử dụng nhà vệ sinh chung.

Xác định được giá trị trên nhiều phương diện như kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đô thị và tầm quan trọng của việc bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp đó, TP Hà Nội rà soát, đánh giá, phân loại các biệt thự. Dựa trên số liệu rà soát tháng 6/2022, TP đã ban hành quyết định xác lập danh mục gồm 1.216 biệt thự cần quản lý, bảo tồn. Số biệt thự này được phân loại theo nhóm đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Trong đó, nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng thời gian qua chính quyền các quận nơi có nhà biệt thự cũng đã nỗ lực trong công tác cải tạo, bảo tồn loại công trình giá trị này. Điển hình, sau một năm khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trên địa bàn quận, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Đây là một trong những dự án đầu tiên TP Hà Nội chính thức thực hiện đối với việc bảo tồn biệt thự trên địa bàn của TP.

 

"Biệt thự cũ là quỹ di sản đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được hồn cốt của quỹ di sản đó. Không chỉ quan tâm đến vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa." - KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

---

"Đối với các loại di sản, chúng ta cần phải tôn trọng tính lịch sử, để khi bảo tồn, sửa chữa vẫn phải giữ được nét lịch sử giá trị của di sản văn hóa. Chẳng hạn như biệt thự xây từ thời Pháp thì phải giữ được nét cổ kính của thời Pháp chứ không phải thời… hiện đại. Cho nên, việc phân loại là đặc biệt quan trọng, cần phải cụ thể, tỉ mỉ đề đưa ra những phương án bảo tồn hợp lý đối với từng di sản." - PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

(Còn nữa)