Bảo tồn để nâng tầm giá trị di sản cầu Long Biên

Minh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia, việc khắc phục lỗi phát sinh, duy tu hàng ngày không đủ để giữ lại công trình có giá trị lịch sử, di sản và kiến trúc đặc biệt này mà cần phải bảo tồn và có một kế hoạch phục hồi tổng thể.

Di sản cầu Long Biên. Ảnh: Việt Dũng
Di sản cầu Long Biên. Ảnh: Việt Dũng

Cầu Long Biên, cây cầu hơn trăm tuổi đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc. Các nhà văn hóa, lịch sử, kiến trúc cho rằng, cầu Long Biên là di sản sống, là hồn cốt của Hà Nội, cần được đối xử trân trọng đầy tinh tế.

Tuy nhiên, ngày 28/5 vừa qua, nhiều người phát hiện mặt cầu Long Biên xuất hiện lỗ thủng lớn. Không chỉ gây nguy hiểm cho người đi đường, lỗ thủng trên cầu lớn đến mức có thể lọt cả bánh xe máy và người đi bộ khiến nhiều người thấy xót xa khi biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử Thủ đô bị “trọng bệnh”.

Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) Nguyễn Quốc Vượng cho biết, dù Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô và xe 3 bánh, nhưng nhiều người vẫn cố tình đi lên, thậm chí kể cả xe ô tô. Cầu Long Biên có tuổi thọ 121 năm, đã quá tuổi khai thác cho giao thông. Tuy nhiên, mặt đường hai bên cánh gà cầu Long Biên vẫn đang làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho xe máy qua lại mật độ cao.

“Để bảo vệ sự an toàn cho người dân khi lưu thông trên cầu, chúng tôi đã dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho các xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hàn các thanh thép chống, ngăn không cho xe máy đi lên phần đường dành cho người đi bộ.

Hiện Công ty Hà Hải đang bố trí 3 người cho 1 ca trực, kiên quyết yêu cầu người dân chấp hành quy định. Lắp camera theo dõi trạng thái của cầu, phát hiện những vi phạm và trích xuất camera hàng ngày, hàng tuần gửi về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng như CSGT Hà Nội để xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội”- ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo và gìn giữ cầu Long Biên, mới đây, tổ chuyên gia triển khai dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” đã được thành lập theo quyết định của UBND TP Hà Nội. Toàn bộ hoạt động của tổ chuyên gia được Chính phủ Pháp tài trợ.

Theo quyết định được phê duyệt, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải nhận trách nhiệm là tổ trưởng. Tham gia tổ công tác có đại diện các sở, ngành liên quan, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội...

Sau khi đi vào hoạt động, tổ chuyên gia có trách nhiệm phối hợp với Đại sứ quán Pháp đề xuất và triển khai các hoạt động nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên; xây dựng nội dung dự án “Hỗ trợ nghiên cứu, cải tạo cầu Long Biên” làm cơ sở để Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP Hà Nội thực hiện các thủ tục tiếp nhận, triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định về quản lý nguồn vốn ODA và các quy định pháp luật liên quan.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phải bỏ ra một lượng kinh phí rất lớn để phục hồi cây cầu với công năng như cách đây hơn trăm năm, ngoài giao thông đường sắt chỉ để phục vụ cho xe đạp, xe máy, đi bộ "gánh gồng ngược xuôi" thì hiệu quả về kinh tế - xã hội rất thấp, không tương xứng với số kinh phí, dù là từ nguồn nào phải bỏ ra.

Hơn nữa, tĩnh không của cây cầu Long Biên hiện nay thấp nhất trên dòng sông Hồng. Tất cả các cây cầu xây sau này đều có tĩnh không cao, thuận tiện cho tàu lớn qua lại. Riêng cây cầu Long Biên vào mùa nước lớn là giao thông thủy bị tắc. Mặt khác, đề nghị xây dựng một quy hoạch “Bảo tàng cầu Long Biên” có cơ sở khoa học, chọn lọc những cái tiêu biểu xứng đáng, trong suốt lịch sử biến động của cây cầu để bảo tồn có hệ thống cho hậu thế mai sau.

Ngoài việc bảo tồn di sản, việc đảm bảo giao thông đi lại cho người dân giữa hai đầu cầu cũng rất quan trọng. Do vậy, việc bảo tồn di tích cầu Long Biên không nên quá máy móc, bảo tồn ngay một lúc, thay vào đó tùy thuộc vào mục đích sử dụng có thể tạo ra sự linh hoạt, vừa giữ gìn quá khứ, vừa đảm bảo lợi ích cho cuộc sống hiện tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần